Đằng sau sự cố thi đợt I ĐH, CĐ: Lỗi cả đôi bên!

ANTĐ - Bước vào đợt II kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chắc không thí sinh nào muốn rơi vào tình huống phải thi lại do giám thị ký nhầm hay làm lại bài thi vì lẫn mã đề. Rõ ràng điều này sẽ không thể xảy ra nếu giám thị lẫn thí sinh tuân thủ đúng thủ tục, quy trình dự thi.

15 phút kiểm tra đề rất quan trọng
Trong số hơn 200 thí sinh bị nhầm mã đề thi môn Hóa trong buổi thi cuối cùng đợt I, không phải thí sinh nào cũng cần thêm 10 phút bù giờ bởi trong đó có 6 trường hợp chính thí sinh đã phát hiện sự cố về đề thi trước thời điểm tính giờ làm bài và được thay đề kịp thời.
Thực tế, không ít người với tư cách là giám thị coi thi tuyển sinh năm nay đã phản ánh về việc giám thị đều đã nhắc thí sinh rất nhiều lần xem đề thi có đủ trang, đủ câu, không mất nét chữ, các trang có cùng mã đề hay không, sau đó mới tô mã đề và làm bài. Nếu sai sót, giám thị sẽ báo cáo và sử dụng đề dự trữ. Nếu thí sinh làm hết trang đầu rồi tiếp sang trang thứ hai mới phát hiện ra sự cố thì một phần lỗi là của thí sinh.
Nhiều người cho rằng không nên trách thí sinh vì tâm lý khi vào phòng thi rất căng thẳng, tuy nhiên theo đúng quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011, thí sinh có 15 phút rà soát, kiểm tra đề thi để đảm bảo đề thi có đủ số lượng câu trắc nghiệm, nội dung được in rõ ràng, không thiếu chữ, mất nét, các trang đều ghi cùng một mã đề thi. Nếu có những chi tiết bất thường trong đề thi hoặc có 2 đề thi trở lên, thí sinh phải báo cáo ngay cho cán bộ coi thi để xử lý. Như vậy, có thể thấy rằng thí sinh cần xác định đây là trách nhiệm và quyền lợi của mình trong việc thực hiện đúng quy chế thi vì trong những kỳ thi lớn, việc in sao đề thi với số lượng nhiều thì khả năng xảy ra sai sót là khó tránh khỏi.

 

Gửi điện thoại ở điểm trông giữ không bằng gửi người nhà  

 Nhận định về vai trò của thí sinh trong sự cố này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, nếu đề cao trách nhiệm, thí sinh hoàn toàn có thể phát hiện những sai sót ngay sau khi giám thị phát đề hoặc ký nhầm. Nếu phát hiện và thông báo sớm, những sự việc như vậy sẽ giải quyết đơn giản và gọn nhẹ hơn rất nhiều.

Báo cáo ngay sự cố bất thường
Với việc phải tổ chức thi lại cho 3 thí sinh và phải cộng điểm hệ số cho 21 thí sinh trong một kỳ thi quan trọng như vậy sẽ gây nên những ảnh hưởng lớn về tâm lý của thí sinh cũng như người nhà và dư luận xã hội. Không chỉ nhận mức xử lý kỷ luật nặng, những giám thị này sẽ còn đau đầu nhiều hơn nếu sau kỳ thi này còn nảy sinh thắc mắc của những thí sinh trong phòng thi của mình.
Phân tích về sự cố này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, nếu là các giám thị có kinh nghiệm thì việc xử lý rất đơn giản. Họ đã không báo cáo lên Ban Chỉ đạo tuyển sinh để xin ý kiến mà tự mình đứng ra khắc phục đã dẫn đến hậu quả từ chuyện nhỏ trở thành chuyện lớn. Theo đó, lưu ý cho đợt II được Thứ trưởng nhấn mạnh là tất cả những sự cố bất thường nếu có xảy ra thì phải báo cáo ngay lập tức với Ban Chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT để có phương án xử lý. Cụ thể, như trường hợp phòng thi số 41 ở Nha Trang vừa qua, nếu hai giám thị đó báo cáo sớm để có chỉ đạo kịp thời thì việc xử lý rất đơn giản. Giám thị có thể lập biên bản về việc ký nhầm rồi cho thí sinh tiếp tục làm bài thi trên tờ giấy đó hoặc nếu cho thí sinh thay giấy thì phải cho thí sinh kéo dài thời gian làm bài thêm.
Được biết, tại công điện mới đây do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận gửi các hội đồng thi, các lỗi kỹ thuật trên được nhắc cụ thể lại lần nữa với yêu cầu trong môn thi tự luận cũng như các môn thi trắc nghiệm. Giám thị phải nhắc nhở thí sinh kiểm tra kỹ để bảo đảm đề thi đủ số trang, đúng mã đề trên từng trang, số câu trắc nghiệm...
Vai trò không thể thiếu của phụ huynh
Một trong những điểm đáng lưu ý qua đợt I kỳ thi ĐH, CĐ năm nay là số thí sinh bị đình chỉ thi ở mức khá cao, trong đó chủ yếu là do thí sinh mang điện thoại di động vào phòng thi. Dù là đã tắt máy nhưng nếu bị phát hiện mang vào phòng thi và không sử dụng trong suốt buổi thi thì thí sinh vẫn bị xử lý kỷ luật.
Về tình trạng này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng quy định này đã được nhắc nhở nhiều lần qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng như thông qua các văn bản chỉ đạo của Bộ. Rõ ràng có trường hợp thí sinh mang điện thoại vào phòng thi là do vô tình bởi tâm lý gửi ngoài thì sợ mất và số thí sinh có ý định mang điện thoại vào phòng thi để gian lận là rất hiếm bởi thời gian làm bài không cho phép thực hiện như vậy và các em đều biết giám thị sẽ giám sát chặt chẽ. Để xử lý tận gốc vấn đề, nhiều trường đã lập ra các điểm trông điện thoại cho các em nhưng việc này chỉ thuận lợi khi hội đồng đó ít thí sinh còn nếu lên đến hàng nghìn thì cũng rất khó khăn. Chính vì thế tốt nhất thí sinh nên gửi điện thoại ở nhà trọ hoặc gửi người thân trước khi vào địa điểm thi.
Đặc biệt, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, việc người nhà nhắc nhở thí sinh trước khi các em bước vào phòng thi và tốt nhất là “tịch thu” điện thoại khi đưa con đến điểm thi là điều cần thiết đề phòng trường hợp do lo lắng thí sinh quên mất những quy định trên mà vô tình cầm điện thoại theo.