Đằng sau mong muốn thoái vị của Nhật hoàng

ANTD.VN - Người Nhật luôn ý thức được rằng Nhật hoàng không phải thần thánh nhưng họ vẫn coi ông như một biểu tượng của  dân tộc và việc Nhật hoàng thoái vị là điều không dễ chấp nhận. Tuy nhiên, vào ngày 7-8 vừa qua, trong bài phát biểu kéo dài 10 phút trên truyền hình, Nhật hoàng Akihito mong muốn Quốc hội sẽ sửa đổi luật, cho phép ông có thểtruyền ngôi lại cho con trai của mình. 

Bài phát biểu của Nhật hoàng Akihito được phát trên truyền hình

Nỗi lòng của Nhật hoàng

Nhật hoàng không trực tiếp đề cập đến vấn đề thoái vị nhưng ông có nêu: “Tôi nhận thấy sức khỏe của tôi đang ngày càng suy giảm, tôi lo sợ rằng điều này sẽ tạo nên những trở ngại lớn trong việc tôi hoàn thành sứ mệnh - là biểu tượng của toàn dân như tôi vẫn luôn làm từ trước tới giờ”. Về vấn đề này, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, cả ông và chính phủ đều rất sẵn lòng sửa đổi Luật Hoàng gia: “Trước tuổi tác của Nhật hoàng cùng nỗi lo của ngài và gánh nặng từ sứ mệnh của ngài, chúng ta cần phải xem xét kỹ lưỡng những việc có thể làm để giải quyết vấn đề này”. 

Nhật hoàng Akihito năm nay đã 82 tuổi, tính đến thời điểm này, ông  tại vị được 28 năm. Sức khỏe của Nhật hoàng không được tốt do ông đang mắc bệnh ung thư và đã từng phẫu thuật tim. Nhật hoàng Akihito cho biết, khi Thiên hoàng không thể hoàn thành được nhiệm vụ do tuổi tác hoặc bệnh tật thì khả năng có thể xảy ra là bổ nhiệm một nhiếp chính. 

Luật  Hoàng gia Nhật Bản hiện nay không có quy định về thoái vị, nên luật này cần phải được sửa đổi để Nhật hoàng Akihito có thể thoái vị. Thay đổi này sẽ phải được sự thông qua của Quốc hội Nhật. Hiến pháp Nhật quy định Nhật hoàng không được đưa ra bất kỳ một tuyên bố chính trị nào và mong muốn thoái vị của Nhật hoàng Akihito có thể bị xem là mang tính chính trị.

Điều này đang gây nên những tranh luận dữ dội trong xã hội Nhật Bản. Sau chiến tranh thế giới, Nhật hoàng được xem như là biểu tượng của sự cam kết hòa bình. Có người băn khoăn, trong bối cảnh chính phủ Nhật Bản đang muốn nới lỏng những chính sách về quân sự thì liệu việc Nhật hoàng thoái vị, đồng nghĩa với việc nới lỏng một kênh giám sát chính phủ, có khiến cho nước Nhật lại đi vào vết xe đổ trước kia, bỏ lại những bài học đắt giá sau chiến tranh. Bên cạnh đó, liệu Thái tử Naruhito - dù cho là người theo trường phái hòa bình, sẽ gây dựng được chỗ đứng như cha của ông - Nhật hoàng  Akihito?

Sẽ có nhiều người đồng cảm 

Ngoài ra, Nhật Bản được biết đến là một nước quân chủ lập hiến - một đất nước dân chủ tự do, tuy nhiên nền quân chủ của Nhật Bản được xem như là nền quân chủ lâu đời nhất thế giới, tính đến nay, gia đình Nhật hoàng Akihito đã nắm giữ ngai vàng được 2.700 năm với nhiều quy tắc và phong tục lâu đời. Nếu Nhật hoàng Akihito thoái vị thì đây sẽ là sự chuyển biến lớn nhất của Hoàng gia nước này kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II. 

Trước vấn đề này, Thái tử Naruhito giữ thái độ im lặng, ông luôn thể hiện lập trường giữ gìn một chế độ quân chủ phi chính trị. Theo các nhà phân tích, việc Quốc hội chấp nhận sửa đổi luật thừa kế ngai vàng sẽ gây nên làn sóng tranh luận ở Nhật Bản. Trong khi có ý kiến cho rằng điều này có thể gây nên những xáo động về chính trị thì ngược lại, cũng có người bày tỏ sẽ thật bất kính nếu chà đạp lên mong muốn của Nhật hoàng.

Theo Tobias Harris, chuyên viên của công ty tư vấn rủi ro chính trị ở Mỹ, “Nhật Bản là một nước có dân số già, vì thế có thể sẽ có nhiều người đồng cảm với ý định nghỉ hưu của Nhật hoàng”. Trong cuộc thăm dò ý kiến của một tờ báo địa phương ở Nhật, kết quả cho thấy 85% người được hỏi đồng ý với việc Quốc hội sửa đổi Luật Hoàng gia, thể hiện sự ủng hộ mong muốn của Nhật hoàng Akihito. Daisuke Kodaka - một nhân viên 34 tuổi, cho biết: “Chúng ta ngoài miệng thì tôn trọng Nhật hoàng, nhưng chúng ta đang đối xử với ngài ấy như một nô lệ. Ngài được tôn kính như một biểu tượng, nhưng lại không được hưởng nhân quyền. Chúng ta nên tôn trọng quyền của ngài”.