Đằng sau chiến lược đòi kiểm lại phiếu bầu của Tổng thống Donald Trump

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Đội ngũ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tiếp tục các cuộc chiến pháp lý về những bất thường trong quá trình bầu cử tại tòa án ở ít nhất 6 bang chiến trường. Nhưng lật ngược kết quả bầu cử có phải là mục tiêu cuối cùng của ông Trump?

Khả năng “lật ngược thế cờ” của ông Donald Trump dường như rất nhỏ trước chiến thắng “khó đảo ngược” của ông Joe Biden

Khả năng “lật ngược thế cờ” của ông Donald Trump dường như rất nhỏ trước chiến thắng “khó đảo ngược” của ông Joe Biden

Trận chiến căng thẳng

Nhóm luật sư do cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani và luật sư riêng của ông Trump là Jay Sekulow dẫn đầu. Gần đây, đội ngũ này đã được mở rộng thêm cựu quan chức Bộ Tư pháp Victoria Toensing, cựu Công tố viên liên bang Sidney Powell. The Hill trước đó đã đưa tin rằng, luật sư nổi tiếng của Atlanta là Lin Wood cũng đã ký hợp đồng với đội ngũ pháp lý của ông Trump. Khi các vụ kiện tiếp tục diễn ra, Tổng thống đương nhiệm vẫn từ chối chấp nhận thua cuộc trước đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden, người mà các phương tiện truyền thông Mỹ vẫn gọi là Tổng thống đắc cử.

Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3-11 do các phương tiện truyền thông công bố cho thấy cựu Phó Tổng thống Biden giành được hơn 79,6 triệu phiếu phổ thông, trong khi ông Trump giành được hơn 73,6 phiếu phổ thông. Nếu xét phiếu đại cử tri, ông Biden được dự đoán đã giành được 306 phiếu, còn ông Trump có 232 phiếu. Hiện thật khó để đánh giá về nỗ lực của các luật sư của ông Trump vì họ đang phải đối mặt với một trận chiến khó khăn. Tiến sĩ Rubrick Biegon, giảng viên quan hệ quốc tế tại Đại học Kent cho biết, đội ngũ này vẫn chưa giành được bất kỳ chiến thắng đáng kể nào khi mà “nhiều cáo buộc của ông Trump và nhóm pháp lý thường xuyên bị bác tại tòa án”.

Trong khi đó, tờ New York Times đưa tin, các luật sư từ công ty Porter Wright (làm việc cho chiến dịch tranh cử của ông Trump ở Pennsylvania) đã nghỉ việc do “căng thẳng nội bộ” về vụ việc. Còn theo AP, luật sư bầu cử Philadelphia, Linda Kerns và 2 luật sư Texas cũng rút khỏi nhóm pháp lý của ông Trump vào ngày 16-11. Theo các nguồn tin, họ cảm thấy rằng chưa đủ bằng chứng về việc giả mạo hoặc gian lận bầu cử, nhưng nhóm của ông Trump lập luận rằng, các luật sư đại diện cho Tổng thống đã phải chịu áp lực, trong đó có việc nhận được hàng loạt email và cuộc gọi đe dọa.

Chiến lược cuối cùng

Đáp lại những lời chỉ trích trên báo chí Mỹ về nỗ lực pháp lý của ông Trump, luật sư Jenna Ellis ngày 16-11 đã nhấn mạnh, nhóm có chiến lược gắn kết phối hợp giải quyết 2 điều: Thứ nhất, đảng Cộng hòa liên tục bị từ chối tiếp cận việc kiểm phiếu. Thứ hai, mối quan ngại ngày càng tăng về thiết bị và phần mềm của Hệ thống bầu cử Dominion đã được sử dụng ở hơn 29 tiểu bang. Nhóm pháp lý của ông Trump từng tuyên bố có bằng chứng rằng phần mềm bầu cử đã chuyển “hàng triệu phiếu bầu” từ ông Trump sang ông Biden. Tuy nhiên, hãng vận hành phủ nhận không hề có bất kỳ lỗi nào đối với thiết bị và phần mềm bỏ phiếu của họ, nếu có chỉ là “sự cố do lỗi của người dùng”.

Trong khi đó, Giáo sư danh dự của Đại học Harvard là Alan Dershowitz đã giải thích chiến lược pháp lý rõ ràng của đội ngũ của ông Trump trong một cuộc phỏng vấn với Newsmax hôm 14-11. Đó là giống như kịch bản từng xảy ra trong 3 cuộc bầu cử ở thế kỷ 19. Theo đó, Tổng thống không thực sự tìm cách đạt được 270 phiếu đại cử tri thông qua các vụ kiện toàn quốc. Thay vào đó, nhóm pháp lý của ông đang cố gắng cho thấy ông Joe Biden không đạt được 270 phiếu bầu, nhất là nhờ phiếu đại cử tri ở Pennsylvania, Georgia, Nevada, Michigan và Arizona. Giáo sư Alan Dershowitz lý giải, việc ông Biden không đạt được tiêu chuẩn bầu cử sẽ buộc Hạ viện phải bỏ phiếu. Và ở đây đảng Cộng hòa có lợi thế hơn so với Đảng Dân chủ do có số nghị sĩ áp đảo hơn.

Về cơ bản, cử tri Mỹ không trực tiếp bầu Tổng thống, mà họ dùng phiếu phổ thông để chọn các đại cử tri bầu ứng cử viên mà họ mong muốn. Do đó, kết quả cuối cùng vẫn phải chờ các đại cử tri từng bang nhóm họp và bỏ phiếu xác nhận vào ngày 14-12 tới đây. Quy trình này khiến nhiều người ủng hộ ông Trump hy vọng ông có cơ hội thay đổi kết quả cuối cùng.

“Các vụ kiện của Tổng thống Trump không phải để tranh chấp hoặc lật ngược kết quả bầu cử. Thực tế, những nỗ lực pháp lý đó là một phần của chiến lược chính trị nhằm bảo vệ “thương hiệu” của ông”.

Tiến sĩ Rubrick Biegon - giảng viên quan hệ quốc tế tại Đại học Kent