Đằng sau cái chết của một cựu tù nhân Guantanamo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lutfi bin Ali (người Tunisia) qua đời hôm 9-3-2021 vì bệnh tim. Năm 2014, đây là 1 trong 5 tù nhân được thả tự do sau 12 năm bị giam cầm ở nhà tù Guantanamo của Mỹ mà không bị kết án. Nhưng sau đó, anh ta lại được đưa đến Kazakhstan - một đất nước hoàn toàn xa lạ - để rồi cuối đời bị bỏ rơi, thậm chí bị người Mỹ can thiệp để không thể đoàn tụ với gia đình.
Lutfi Bin Ali khi còn sống trong ngôi nhà ở Semey, Kazakhstan

Lutfi Bin Ali khi còn sống trong ngôi nhà ở Semey, Kazakhstan

Vào ngày 30-12-2014, 5 tù nhân của nhà tù Guantanamo đã được trả tự do và đưa đến Kazakhstan. Có thể hình dung rằng, khi họ rời nhà tù trên vịnh Guantanamo, tiếng chuông chào đón năm mới vang lên ở một đất nước mới sẽ trở thành quê hương của họ, hẳn đó sẽ là lý do để ăn mừng. Nhưng đối với Lutfi bin Ali - người đã bị tra tấn và giam giữ không xét xử trong 12 năm - không có lý do gì để cảm thấy nhẹ nhõm. Nhớ lại lần đầu đặt chân đến Kazakhstan, Lutfi bin Ali cảm nhận: “Nhiệt độ bên ngoài là -30 độ C, còn tôi vẫn đang đi dép xỏ ngón như ở Guantanamo. Tôi đã mong chờ một đất nước Hồi giáo, nhưng nó không như mong đợi”.

Guantanamo phần 2

Đó chỉ là khởi đầu cho thử thách của Lutfi bin Ali ở Kazakhstan. Anh ta được đặt dưới sự chăm sóc của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế và Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Kazak về sức khỏe, trợ cấp thực phẩm, các lớp học ngoại ngữ và phương tiện đi lại. Giống như các cựu tù nhân khác, anh không hề biết về các điều khoản của thỏa thuận giữa Mỹ và Kazakhstan. Do đó anh bị cô lập, cảm thấy không được chào đón và được hỗ trợ rất ít trong các dịch vụ như điều trị y tế. “Ít nhất thì ở Guantanamo cũng có người để nói chuyện. Ở đây tôi không có ai cả” - Lutfi nói với tờ Guardian vào năm 2016.

Năm 2015, một bộ phim tài liệu của hãng truyền thông Vice về cuộc đời của Lutfi bin Ali thời kỳ hậu Guantanamo đã làm sáng tỏ một số cuộc đấu tranh khác mà Lutfi phải đối mặt. Ví dụ như sự kỳ thị khi anh ta luôn bị coi là khủng bố và liên tục bị điều tra. Sự giám sát căng thẳng đến mức khi phóng viên của Vice và Ghalib Mahmoud (khi đó là trợ lý cho luật sư Mark Denbeaux của Lutfi bin Ali) đến thăm anh để ghi hình thì Giám đốc Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ đã “ngẫu nhiên” đến kiểm tra. Vị này khiển trách những người khách, đồng thời giám sát họ ngay sau đó. Lutfi bin Ali đã mô tả sự tồn tại bấp bênh của mình trong một bài báo mà Vice đăng tải hồi đầu năm 2015, rằng: “Cảnh sát thường đến “thăm” căn hộ của tôi gần như mỗi ngày. Họ mở cửa và đi vào kiểm tra bên trong một vài phút. Thành thật mà nói, nó giống như Guantanamo phần 2 vậy”.

Trái ngược với thực tế nghiệt ngã mà những người từng bị giam giữ như Lufti bin Ali phải đối mặt khi tái định cư, chính quyền Mỹ khẳng định, việc thả 5 tù nhân là bằng chứng cho thấy cam kết theo đuổi công lý của họ bằng cách chấm dứt thời kỳ giam giữ vô thời hạn tại Guantanamo. “Chúng tôi quyết tâm giảm số tù nhân tại đó một cách có trách nhiệm” - một quan chức chính quyền Mỹ khẳng định với truyền thông. Tuy nhiên, câu chuyện của Lutfi bin Ali cho thấy, mục tiêu của chính phủ không phải là giảm số nghi phạm bị giam giữ một cách có trách nhiệm, mà là loại bỏ những người này một cách có trách nhiệm. Nói cách khác, chính phủ Mỹ quan tâm đến việc đảm bảo rằng các tù nhân có thể được xóa sổ trong cuộc sống mới, tiếng nói của họ không ai để ý đến, cũng giống như khi họ bị giam ở Guantanamo. Cụ thể, đối với Lutfi bin Ali, điều này có nghĩa là nhu cầu y tế của anh ta bị phớt lờ.

Khi Lutfi ban đầu được tái định cư ở Kazakhstan cùng với 4 cựu tù nhân Guantanamo khác, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nói rằng, bây giờ họ là “những người tự do”. Tuy nhiên, cái chết của Lufti bin Ali cuối cùng đã tiết lộ rằng “tự do” đi kèm với xiềng xích - xiềng xích mà từ đó chỉ có cái chết mới có thể giải thoát anh ta.

Lutfi bin Ali qua đời vào ngày 9-3-2021 do biến chứng của bệnh tim. Trên thực tế, chính phủ Mỹ đã biết đến bệnh tình của anh ta từ trước. Ví dụ, chỉ 1 năm sau khi Lutfi bin Ali bị giam giữ, một bản ghi nhớ năm 2004 do Tư lệnh Lục quân Hoa Kỳ - Chuẩn tướng Jay W. Hood viết đã đề cập đến điều này. Bản ghi nhớ lưu ý rằng Lutfi bị hở van tim cơ học, rung nhĩ, sỏi thận, bệnh lao tiềm ẩn, trầm cảm và huyết áp cao. Bản ghi nhớ cũng kết luận rằng, “dựa trên tình trạng sức khỏe, giá trị tình báo và mức độ nguy hiểm của người bị giam giữ, chúng tôi khuyến nghị người này cần được thả hoặc chuyển sang sự kiểm soát của một quốc gia khác”. Tuy vậy, Lutfi vẫn bị giam thêm 10 năm dù thực tế là anh ta chưa bao giờ bị buộc tội.

Tại Kazakhstan, Lutfi bin Ali tiếp tục xin được chăm sóc y tế, nhưng không thành công. Cuối cùng anh ta được chuyển đến Mauritania, một quốc gia ở bờ biển phía Tây của châu Phi. Tuy nhiên, Mauritania tỏ ra không đủ khả năng để đối phó với căn bệnh tim của Lutfi bin Ali, đó là chưa kể đến thực tế là không có ai có thể chi trả cho sự chăm sóc mà anh ta cần. Tại thời điểm đó, Lufti bin Ali đã xin Hội Chữ thập đỏ quốc tế và Chính phủ Tunisia cho phép anh ta được chăm sóc y tế ở Tunisia, nơi mà anh ta cũng có thể gặp lại gia đình. Tuy nhiên nỗ lực này không thành hiện thực, vì Lutfi cuối cùng qua đời ở Mauritania mà không bao giờ được trở về quê hương hay gặp lại người thân.

Thị trấn Semey gần biên giới với Nga

Thị trấn Semey gần biên giới với Nga

“Quyền sinh sát” của người Mỹ

Thông thường tù nhân sau khi bị giam giữ ở Guantanamo sẽ được chuyển sang nước khác hoặc đưa về quê hương của họ và luôn bị Chính phủ Mỹ theo sát. Mohamedou Slahi, một cựu tù nhân từ Mauritania, đã cần được điều trị y tế kể từ khi được thả. Anh ta xin thị thực đến Đức để đoàn tụ với vợ con và được chữa bệnh. Ban đầu, mọi việc đã xong xuôi, nhưng ngay sau đó Bộ Nội vụ và các cơ quan an ninh bày tỏ quan ngại và cuối cùng đơn của anh ta bị bác.

Quyết định này không đơn giản là sự tình cờ mà thay vào đó, dường như nó xuất phát từ việc các quan chức Mỹ cảnh báo các quốc gia khác về Mohamedou. Ví dụ, một email liên quan đến Mohamedou viết rằng: “Hoa Kỳ vẫn coi người này là một trong những kẻ xấu”, và “Chúng tôi nghe nói rằng anh ta có thể tìm kiếm điều trị y tế ở châu Âu, hãy làm những gì bạn muốn với thông tin này”. Điều này khiến người ta dễ dàng tin rằng, chính sự can thiệp của Mỹ đã ngăn cản lời cầu xin của Lutfi bin Ali.

Cái chết của Lutfi bin Ali không phải là không thể tránh khỏi, nhưng nó có thể dự đoán được, bởi đó là minh chứng cho cách Chính phủ Mỹ kiểm soát sự sống chết của những người bị giam giữ tại nhà tù Guantanamo. Vào năm 2006, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về Y tế William Winkenwerder trong khi giải quyết các cuộc tuyệt thực trong tù đã đặt câu hỏi: “Có một vấn đề về đạo đức. Liệu bạn có sẵn sàng đứng nhìn một người tự sát hay không? Hay là bạn sẽ cố gắng giúp đỡ và bảo toàn mạng sống cho họ?”. Tuy nhiên, vấn đề đạo đức được nêu lên không hẳn là để bảo toàn mạng sống của các tù nhân mà là để giữ gìn hình ảnh nước Mỹ.