Đằng sau các cuộc thi kiến trúc: Kiến trúc sư phải tự “lát đường”

ANTĐ - Để một đồ án dự thi được đưa vào thực hiện, bên cạnh việc tìm được chủ đầu tư, kiến trúc sư phải nhận được sự đồng thuận từ cả người dân và cấp chính quyền. Chừng nào chưa có tiếng nói chung giữa những lực lượng này, thì các kiến trúc sư vẫn phải tự tìm đường. 

Phố Đinh Tiên Hoàng trong Đồ án “Khôi phục quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục
và phố Hàng Đào, khu phố cổ Hà Nội” đoạt giải Nhất cuộc thi “Historical Hanoi 2013”

Chờ đợi gì ở các cuộc thi 

Trên thực tế, tiêu chí để đánh giá chất lượng một bản thiết kế cần phải dựa trên ý tưởng và tính khả thi của công trình. Tuy nhiên, nhiều cuộc thi chỉ đề cao về mặt ý tưởng, bám sát chủ đề chứ chưa tính đến tính thực tiễn. Tại buổi tổng kết trao giải cuộc thi “Giải pháp kiến trúc tạo dựng không gian đô thị” do Đại sứ quán Đan Mạch và mạng kiến trúc Ashui phát động, một vị giám khảo đã nhận định, các thiết kế dự thi của Việt Nam không hề thua kém so với trình độ quốc tế nhưng ý tưởng chưa có gì đột phá. Các đồ án vẫn chỉ mang tính chất hoàn thiện những ý tưởng đã có từ trước, chứ chưa có cái gì nằm ngoài sức tưởng tượng. Đề cao ý tưởng, nhưng cũng chưa thấy BTC nào đề cập đến khả năng đưa đồ án ra thực tế. Thiếu một sự “chỉ đường” từ phía người tổ chức, nên khi hỏi một người trong nhóm tác giả đoạt giải Nhất thì chính họ cũng chưa biết sẽ triển khai trên thực tế như thế nào. 

Theo KTS Lê Việt Hà, chủ nhiệm trang mạng kiến trúc Ashui - đơn vị thường xuyên tổ chức các cuộc thi kiến trúc hàng năm cho biết, dù rất mong muốn đưa các ý tưởng vào hiện thực, nhưng hiện nay, trách nhiệm của BTC vẫn chỉ dừng lại ở việc đánh giá và trao giải. Để một đồ án đi từ bản vẽ đến thực tế là một quá trình phức tạp. Các cuộc thi được phát động trong một thời gian ngắn, các KTS chỉ có 1 tháng để hoàn thành bản vẽ dự thi, nên bản vẽ nhiều khi chưa trau chuốt và tỉ mỉ. Nên để thực hiện được, BTC phải tiếp tục hoàn thiện, chỉnh sửa và phát triển đồ án tới độ có thể thực hiện được. Lúc đó, nếu làm tốt, BTC sẽ tiếp tục giới thiệu tới những nhà đầu tư có khả năng, đồng thời thuyết phục các cấp chính quyền và người dân. Nhưng trên thực tế, các cuộc thi của chúng ta mới chỉ làm được phần “ngọn”, tức là tổ chức và trao giải. Còn hậu cuộc thi, tương lai của đồ án như thế nào thì chưa ai biết được. Bởi vậy, nhiều công ty kiến trúc đang vận hành theo kiểu 4 trong 1, vừa thiết kế, vừa tự mình bỏ tiền túi để đầu tư, quản lý dự án, vừa tuyên truyền cộng đồng, cũng như đưa thiết kế công trình đến tận tay các nhà quản lý. 

Trao quyền cho kiến trúc sư

KTS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, giữa cuộc thi kiến trúc với thực tiễn còn tồn tại một khoảng cách lớn. Là giám khảo của nhiều cuộc thi, gần đây nhất là cuộc thi ý tưởng kiến trúc “Historical Hanoi 2013”: “Khôi phục quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và phố Hàng Đào, khu phố cổ Hà Nội” do Hội phối hợp với Đại sứ quán Italy và Hội kiến trúc sư Genova phát động, tìm ra một đề án tốt để trao giải đã khó, nhưng để ý tưởng đoạt giải khi đưa vào thực tế nhận được sự đồng thuận còn khó hơn nhiều. “Ý tưởng đột phá thường gặp trở ngại từ nhiều yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội… Có những ý tưởng rất mạnh, rất táo bạo, có thể phá bung tất cả một khu vực vài ba hecta trong khi vẫn còn rất nhiều dân cư sinh sống tại đó, nên chắc chắn sẽ nảy sinh va chạm. Đồ án phải tạo được điều kiện sinh hoạt của người dân tốt hơn, phải làm họ nhận thức được tính cấp thiết của công trình”. 

Trước đây, chúng ta mới chỉ tập trung thiết kế các công trình, các tòa nhà. Những không gian công cộng, đường phố… chưa thực sự được chú trọng và thường bị coi là “phần phụ” của thành phố. Trong khi đây là nơi sinh hoạt chủ yếu của người dân và cần nhiều hơn bàn tay xây dựng của các kiến trúc sư. Chỉ qua các cuộc thi kiến trúc, thì những vấn đề như thế này mới nhận được nhiều sự quan tâm và chú ý từ cộng đồng. KTS Hoàng Thúc Hào – người rất tâm huyết với những công trình kiến trúc cải tạo thành phố chia sẻ, cần có những giải pháp căn bản để kiến trúc sư có thêm điều kiện phát huy khả năng và hoạt động trong một môi trường tích cực, lành mạnh. Trên thực tế, những kiến trúc sư trực tiếp thiết kế công trình lại không được đảm bảo quyền lợi đúng đắn, mà phụ thuộc vào chủ đầu tư dẫn đến việc thay đổi chất lượng không gian và tính thẩm mỹ của công trình. Với mong muốn đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam xúc tiến Dự thảo xây dựng Luật Kiến trúc sư, trong đó, dưới sự ràng buộc của hành lang pháp lý, kiến trúc sư bên cạnh việc trao thêm quyền hạn, cần có ý thức trách nhiệm của mình trước cộng đồng, trước xã hội khi công trình được thi công. Cùng với đó, để nâng cao hiệu quả của các cuộc thi, tránh việc chỉ biểu dương về mặt hình thức, cần có quy định đối với các đồ án đoạt giải cao chắc chắn phải được triển khai, xây dựng. Với sự hỗ trợ của luật, những ý tưởng kiến trúc sẽ không chỉ trông chờ vào “xác suất” và chúng ta sẽ có thêm những giải pháp thiết thực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đô thị, cho xã hội.