Dân văn phòng mê chơi họ ảo

ANTD.VN - Lãi suất cao, cách tham gia đơn giản, thuận tiện… - với những “ưu điểm” trên nên trong thời gian qua đã có đông đảo người dân tham gia hình thức chơi “họ” trên mạng Internet. Nhưng đằng sau sức hấp dẫn tưởng chừng dễ dàng ấy tiềm ẩn không ít rủi ro thậm chí là phạm tội. điều đáng nói là đa số người chơi họ trên mạng lại là dân văn phòng.

Chuyển tiền bằng... niềm tin

Hiện nay, tại hầu hết các cơ quan, doanh nghiệp, tiền lương hàng tháng của cán bộ công nhân viên đều được chuyển vào tài khoản. Việc chi tiêu có chút dư dả nhưng lãi suất tiết kiệm đối với khoản tiền lương còn lại chẳng đáng là bao, nên khi nghe đồng nghiệp rủ chơi “họ” trên mạng Internet, chị Lê Thanh H. (ở khu đô thị Nam Trung Yên, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) đã lập tức đồng ý. Theo đó, mỗi tháng chị H. phải đóng 2 triệu đồng, số tiền này được chuyển qua ngân hàng điện tử vào số tài khoản của “chủ họ”. 

Theo chị H., những người trong “bát họ” chủ yếu quen nhau trên mạng, đa số là thành viên của một diễn đàn nào đó. Người nào cần tiền thì đăng ký nhận trước, nhưng ngoài tiền đóng “họ”, sẽ phải nộp thêm một khoản tiền nhỏ gọi là lãi cho người nhận sau. Lãi suất này thường do “chủ họ” đặt ra và được sự đồng ý của các thành viên. Thông thường, người nhận sau được hưởng lãi cao hơn từ 4-5 lần so với lãi suất của ngân hàng. Trong khi đó, người nhận trước  chỉ phải thanh toán khoản tiền lãi thấp hơn nhiều so với lãi suất vay ngân hàng. Đây chính là lý do khiến số người tham gia chơi “họ” trên mạng Internet ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, việc lập “bát họ” trên mạng cũng khá đơn giản. Để tạo niềm tin cho các thành viên, “chủ họ” sẽ cung cấp khá đầy đủ về thông tin cá nhân như nơi làm việc, địa chỉ nhà, số sổ hộ khẩu, số chứng minh nhân dân. Trong khi đó, thành viên tham gia hầu như chỉ cần chụp ảnh hai mặt chứng minh nhân dân (hoặc hộ chiếu) rồi đăng lên mạng. Có điều, dường như không nhiều người chơi họ quan tâm những thông tin cá nhân ấy là đúng hay giả mạo, mà chỉ chú tâm “bát họ” ấy có lãi suất hấp dẫn không. 

Từ trước đến nay, “hụi, họ” là một hình thức huy động tiền rất phổ biến. Bên cạnh những mặt tích cực, “hụi, họ” đã đẩy không ít người vào cảnh trắng tay. Khảo sát trên một số diễn đàn mạng được biết những người tham gia chơi “họ” trên mạng chủ yếu là công chức văn phòng. Với ưu điểm do phương thức tham gia đơn giản nên đã có không ít người bị lừa. Đó là việc sau khi đã nhận được tiền chuyển khoản từ các thành viên, “chủ họ” đột nhiên… mất tích, còn thông số đưa lên mạng Internet là địa chỉ không có thực, chứng minh nhân dân được chụp lại là của người khác. 

Chơi “họ” có tính rủi ro cao, đặc biệt là chơi qua mạng bởi sự liên kết giữa các thành viên tham gia khá lỏng lẻo, thường chơi “họ” và chuyển tiền bằng niềm tin, sự cảm tính mà không có tài sản thế chấp; người tham gia không quen biết nhau, không biết trong “bát họ” gồm bao nhiêu người. Trong khi đó, “bát họ” như một vòng tròn với nhiều mối liên kết, chỉ cần một mối bị đứt gãy thì cả vòng tròn đó sẽ bị ảnh hưởng. Ở một góc độ khác, việc chơi họ qua mạng chẳng khác nào hành vi tiếp tay cho cho tội phạm, bởi trên thực tế đã có nhiều chủ “họ”… “ôm” tiền của người tham gia rồi bỏ trốn, hoặc chây ỳ nhằm chiếm dụng vốn. Đến nước ấy, người chơi họ “của đau, con xót” dù muốn tố cáo nhưng do không có bằng chứng nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Quy định đã có…

Theo Bộ luật Dân sự năm 2005, “họ” (hay còn gọi là hụi, biêu, huê, phường) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh “họ” và quyền, nghĩa vụ của các thành viên. Hình thức này nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật. Pháp luật nghiêm cấm việc tổ chức “họ” dưới hình thức cho vay nặng lãi.

Về quyền và nghĩa vụ của những người tham gia chơi “họ”, theo Nghị định số 144/2006/NĐ-CP của Chính phủ về hụi, họ, biêu, phường, các thành viên có nghĩa vụ góp phần họ theo thỏa thuận cho chủ “họ”. Khi đến kỳ mở “họ”, thành viên được lĩnh có quyền nhận các phần họ từ chủ họ hoặc các thành viên khác trong họ. “Người chơi cũng có quyền yêu cầu người giữ sổ họ cho xem sổ và cung cấp các thông tin liên quan đến những người cùng chơi để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Người tham gia có lãi có các quyền đưa ra mức lãi trong mỗi kỳ mở họ”, luật sư Hoàng Huy Được, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết.

Người tham gia chơi “họ” dù ở hình thức nào nếu đảm bảo các nghĩa vụ của mình cũng đều được Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp. Nếu chủ “họ” vi phạm nghĩa vụ thì phải có trách nhiệm “giao các phần “họ” đã thu được cho thành viên đó và bồi thường thiệt hại nếu có. Ngoài ra, chủ “họ” cũng phải trả lãi nếu giao chậm. Nếu người cầm tiền đã “ôm” toàn bộ số tiền của những người tham gia bỏ trốn, ngoài việc phải chịu trách nhiệm pháp lý, họ còn có nghĩa vụ thanh toán cho các thành viên có quyền lĩnh họ. Nếu số tài sản thu được của cá nhân này không đủ để thực hiện nghĩa vụ thì giá trị tài sản thu được sẽ trả cho người có quyền lĩnh họ theo tỷ lệ phần tiền đã góp trên tổng số tiền mà các thành viên đã nộp trong một kỳ mở họ. Trong trường hợp đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thực tế, chơi “họ” trên mạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. “Người chơi cần hiểu rõ quy định của pháp luật, chỉ nên tham gia khi biết rõ về người chủ “họ”, nơi làm việc và thu nhập của những người cùng chơi. Bên cạnh đó, việc chơi “họ” phải được lập thành văn bản rõ ràng, trong đó ghi rõ số liệu nộp, ngày tháng nộp, lấy tiền, chu kỳ đóng tiền, hình thức thanh toán, quyền và trách nhiệm của chủ “họ” và các thành viên tham gia. Khi xảy ra tranh chấp, nếu các bên không tự hòa giải, thương lượng được thì bên bị thiệt hại có thể khởi kiện ra tòa án để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”, luật sư Hoàng Huy Được khuyến cáo.

Nguyên nhân nảy sinh vi phạm pháp luật

Chơi “họ” qua mạng Internet là cuộc chơi mà phần rủi ro đa phần nghiêng về người tham gia. Giao dịch tiền qua tài khoản ngân hàng hoặc trực tiếp giữa các “họ viên” với “chủ họ” là thật; song việc đảm bảo cho những giao dịch ấy chủ yếu qua Internet lại rất…ảo. Có nghĩa, trường hợp “chủ họ” chủ mưu lừa đảo, các “họ viên” cầm chắc phần… trắng tay.

Ở góc độ khác, chơi “họ” là sự mong manh ranh giới vi phạm pháp luật đối với người đứng vai “chủ họ”. Đầu tiên, việc mở “bát họ”, thu nạp “họ” viên, bản chất là hình thức kinh doanh; mà theo quy định, mọi hoạt động kinh doanh đều phải đăng ký, được cấp phép. Nếu làm chặt, “chủ họ” sẽ bị áp chế tài kinh doanh trái phép, kể cả hình thức kiếm tiền của họ được thực hiện trong “thế giới ảo” - mạng Internet. Sự mong manh về ranh giới thứ hai, là dễ cấu thành tội phạm cho vay nặng lãi; nếu lãi suất thanh toán đối với các “họ viên” vượt quá trần quy định mà ngân hàng Nhà nước đề ra. Một yếu tố rủi ro khác, là nguy cơ của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sự quay vòng - sức ép về lãi suất, số “họ viên” tham gia đông và khi số tiền trong “bát họ” lớn, cộng thêm nhiều yếu tố khác, khó có thể đảm bảo tội phạm không nảy sinh. Cơ quan chức năng cần có động thái thường xuyên, kiên quyết xác định, nắm bắt hoạt động tổ chức chơi “họ” trên Internet; phát hiện sớm dấu hiệu tội phạm và khuyến cáo người dân không nên  ảo tưởng kiếm tiền từ việc trở thành thành viên của các “bát họ”.

Trung tá Vũ Văn Tấn (Đội trưởng Đội chuyên đề nghiên cứu Cảnh sát, Phòng Tham mưu CATP Hà Nội)