“Dân ta phải biết sử ta”

ANTĐ - Những ngày này thông tin về điểm thi đại học môn Sử năm 2011 thấp kỷ lục làm không ít người thất vọng. Chị Trần Thị Thanh Vân (Học viên Cao học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) buồn bã:

- Chắc chắn năm nay sẽ có không ít bài thi lịch sử cười ra nước mắt, râu ông nọ cắm cằm bà kia cho mà xem. Ông bà, bố mẹ lại giật mình vì kiến thức của con cháu.

- Nghe nói một trường có đến gần 500 bài thi điểm 0. Đạt điểm trung bình cũng đã là khó thấy. Có bài thi viết tới 12 trang mà chỉ chấm được 1 điểm. Do đề thi khó và dài?

- Chỉ là một phần thôi. Chủ yếu do cách dạy và học. Dạy thì nhồi nhét, học thì học gạo. Không có tư duy, không hấp dẫn thì làm sao nhớ hết được vài chục dữ kiện trong một bài sử vô hồn được.

- Lịch sử Đất nước hào hùng là vậy! Việc dạy môn Sử đã được cải tiến cơ mà?

- Yêu sử nhưng môn Sử thì khó. Bao năm đổi mới phương pháp dạy học rồi mà vẫn không có kết quả. Không chỉ ngành giáo dục, xã hội cũng có lỗi trong vấn đề này.

Phải chăng vì không ít người coi thường khối C, rồi cuộc sống của giáo viên môn Sử chưa được công bằng so với Toán, Lý, Hóa, Văn... Truyền hình toàn chiếu phim lịch sử Trung Quốc?

- Lịch sử dân tộc chưa được quảng bá đúng mức. Lâu lắm rồi không thấy một bộ phim lịch sử Việt Nam nào gây được tiếng vang. Giáo dục là khơi dậy niềm yêu thích, sáng tạo chứ không phải là học vẹt để lấy điểm cao. Nếu cứ thế con người sau này sẽ không còn tôn trọng giá trị cốt lõi, sẽ rất có hại cho xã hội.

- Thay đổi cả chất và lượng từ gốc đến ngọn có quá khó khăn?

- Khó cũng phải làm, mà phải làm triệt để, tận gốc. “Dân ta phải biết sử ta” thì mới có những nhà chính trị, nhà báo, kinh tế, đạo diễn… nắm chắc vận mệnh tương lai được.