Dân số già hóa - điều trị lão khoa chưa theo kịp

ANTĐ - Cùng với tốc độ già hóa dân số đang tăng nhanh, số bệnh nhân là người cao tuổi đến các bệnh viện điều trị chiếm tỷ lệ ngày càng cao. Tuy nhiên, hệ thống điều trị dành riêng cho các đối tượng này ở nước ta hiện thiếu trầm trọng.

Hệ thống điều trị lão khoa tại nước ta còn rất hạn chế

Chi phí tăng gấp 7-10 lần

Trong những ngày nắng nóng vừa qua, tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, lượng bệnh nhân đến khám tăng đột biến, cao hơn 20-30% so với ngày thường. Theo các bác sĩ của bệnh viện, cơ thể người già vốn có sức đề kháng yếu, lại thường mắc nhiều bệnh mãn tính nên rất nhạy cảm với những thay đổi trong cuộc sống cũng như thời tiết. Vì thế, mỗi khi thời tiết thay đổi bất thường, như nắng nóng gay gắt kéo dài, người già rất dễ đổ bệnh. Mấy ngày qua, dù lượng bệnh nhân đến khám tăng cao nhưng do quy định cơ sở điều trị bệnh lão khoa không được nằm ghép nên đa số bệnh nhân được chỉ định điều trị ngoại trú.

GS.TS. Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, các bệnh thường gặp ở người cao tuổi là tăng huyết áp, đái tháo đường, ưng thư, thoái hóa khớp, sa sút trí tuệ. Đây hầu hết là những bệnh phải điều trị suốt đời hoặc có thể làm giảm khả năng tự đi lại, vệ sinh cá nhân, ăn uống, khả năng giao tiếp… Do đó, chi phí y tế điều trị cho người già rất tốn kém, cao gấp 7-10 lần người trẻ. Thực tế hiện nay, bệnh nhân là người cao tuổi chiếm 10% nhưng lại đang sử dụng đến 50% tổng lượng thuốc điều trị. Bên cạnh đó, do hệ thống cơ sở điều trị bệnh lão khoa ở tuyến dưới, các địa phương hiện còn rất hạn chế nên lượng bệnh nhân phải vượt tuyến lên tuyến trung ương khá nhiều, càng khiến chi phí điều trị tăng lên. 

Cũng liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, già hóa dân số ở nước ta đang đặt ra những thách thức đối với hệ thống chính sách an sinh xã hội mà thể hiện rõ nét đầu tiên chính là áp lực lên hệ thống chăm sóc, điều trị. Hiện nay, hơn 70% người cao tuổi nước ta sống ở nông thôn, không có lương hưu hoặc tiền để dành. Trong khi đó, 95% người cao tuổi có sức khỏe kém, tỷ lệ được khám chữa bệnh định kỳ còn thấp, thiếu hiểu biết về phòng bệnh. Vì thế dẫn đến tình trạng đa số người cao tuổi bị bệnh nặng mới đi khám chữa bệnh nên rất tốn kém, nhất là khi vẫn còn tới 30% người cao tuổi chưa có bảo hiểm y tế...

Đưa lão khoa vào danh mục ưu tiên

Theo khảo sát của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, hiện hầu hết các địa phương đều thiếu bác sĩ, điều dưỡng chuyên ngành về lão khoa, việc chăm sóc người già tại gia đình và cộng đồng chủ yếu dựa vào người nhà và những người chăm sóc không được đào tạo. Mặt khác, dù Luật Khám chữa bệnh từ năm 2009 đã quy định tất cả các bệnh viện (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi) phải thành lập Khoa Lão nhưng qua kiểm tra tại 15 bệnh viện tỉnh mới đây, chỉ có 2 trong tổng số đó có Khoa Lão, 6/15 bệnh viện ghép Khoa Lão với các khoa khác. Với hệ thống như vậy, việc điều trị cho người cao tuổi rõ ràng chưa đáp ứng được nhu cầu.

Phân tích về vấn đề này, GS.TS Phạm Thắng cho biết, hệ thống cơ sở y tế điều trị cho người cao tuổi ở nước ta hiện nay chủ yếu là điều trị cấp, nghĩa là bệnh nhân mắc bệnh vào điều trị khỏi thì về, mắc bệnh nào đi điều trị ở chuyên khoa đó. Đây là cách tiếp cận không phù hợp vì đa số người già mắc nhiều bệnh mãn tính cùng lúc, sức khỏe lại yếu nên không thể đi từng bệnh viện chuyên ngành, từng chuyên khoa để khám, điều trị từng loại bệnh riêng biệt… 

Để đáp ứng điều trị tốt hơn cho người cao tuổi trong thời gian tới, GS.TS Phạm Thắng nhấn mạnh, nhất thiết phải nâng cao năng lực của hệ thống y tế về chăm sóc người cao tuổi như việc đưa lão khoa vào danh mục các lĩnh vực ưu tiên, triển khai quyết liệt việc thành lập Khoa Lão tại các bệnh viện, tổ chức phòng khám cho người cao tuổi tại các khoa khám bệnh, cũng như phải tăng cường và đa dạng hóa các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi... Bên cạnh đó, ngành y tế cần đẩy mạnh việc đào tạo thầy thuốc, nhân viên y tế chuyên ngành Lão Khoa và tăng cường nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực này.

Cuộc sống chật vật của người cao tuổi

Tại hội thảo Xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại Việt Nam diễn ra ngày 26-5, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay tỷ lệ dân số già ở nước ta đang gia tăng nhanh. Dù vậy, người cao tuổi Việt Nam được kỳ vọng sống lâu nhưng không khỏe mạnh, tỷ lệ mắc bệnh nhiều. Hơn nữa, đa số người cao tuổi lại có cuộc sống rất chật vật. Theo điều tra của Tổng cục Thống kê, hiện có trên 70% số người cao tuổi phải tự lao động kiếm sống cùng với sự hỗ trợ của con cháu và gia đình; chỉ có hơn 25,5% sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội. Đặc biệt, có tới 18% người cao tuổi sống dưới mức đói nghèo, ở cả thành thị và nông thôn.