Dân “chợ đen” gom tiền lẻ, ngân hàng kêu khan hiếm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tiền mới mệnh giá thấp phát hành ra bị người dân hoặc các con buôn “chợ đen” om lại, khiến nhiều ngân hàng cũng khan hiếm.

“Chợ mạng” nhộn nhịp

Chỉ cần gõ tìm kiếm cụm từ “đổi tiền lẻ" trên Goolge sẽ cho ra hàng loạt lời chào mời từ các tài khoản mạng xã hội, thậm chí là các website công khai quảng cáo dịch vụ này. Dịch vụ này càng nở rộ khi Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang cận kề.

Đơn cử như tại website doitienle.com.vn quảng cáo: “Chúng tôi hoạt động nhiều năm có uy tín trên thị trường. Nguồn tiền của chúng tôi chưa bao giờ báo khách hết hàng trong suốt 8 năm hoạt động. Đảm bảo quý khách sẽ hài lòng khi nhận hàng đầy đủ các yếu tố: Nguyên cọc, nguyên thếp, seri liền tù tì…”. Kèm theo đó, website này công khai số điện thoại liên hệ đổi tiền…

Phí đổi tiền lẻ sẽ phụ thuộc vào từng mệnh giá, mệnh giá càng thấp thì phí càng cao. Cụ thể, mệnh giá 1.000 đồng phí khoảng 15%; 2.000 và 5.000 đồng dao động 10% – 12%; 10.000- 20.000 đồng dao động 8% - 10%; 20.000 đồng 7% - 8%; 100.000 đồng 4% - 6%...

Ngoài đổi tiền lẻ, các địa chỉ này còn có dịch vụ đổi tiền ngoại tệ, phổ biến nhất là đồng mệnh giá 2 USD mới với mức giá dao động từ 52.000 – 55.000 đồng/tờ. Thậm chí đồng USD in hình trâu vàng còn có giá lên tới 220.000 - 300.000 đồng/tờ.

Ngân hàng khan hiếm, vì sao?

Trái với sự nhộn nhịp trên các chợ online, năm nay các khách hàng cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu đổi tiền lẻ mới tại các ngân hàng đều nhận được cái lắc đầu.

Dịch vụ đổi tiền lẻ tràn lan, công khai trên các trang mạng

Dịch vụ đổi tiền lẻ tràn lan, công khai trên các trang mạng

Một nhân viên ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước cho biết, năm nay, lãnh đạo chi nhánh quán triệt đến toàn bộ cán bộ về chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước, trong đó cấm tuyệt đối việc đổi tiền lẻ mới cho cho khách hàng doanh nghiệp, khách hàng cá nhân, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm. Do đó, đến thời điểm này, mặc dù rất nhiều khách hàng có nhu cầu đổi tiền mới nhưng ngân hàng không có để đổi.

Được biết, mới đây, Cục trưởng Cục Phát hành và kho quỹ thừa lệnh Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành chỉ thị, trong đó nêu rõ: Từ năm 2021, Sở Giao dịch, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tuyệt đối không thực hiện đổi tiền mới in (cả dịp Tết Nguyên đán và trong năm) cho khách hàng là doanh nghiệp, cá nhân, kể cả cán bộ Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, có hình thức xử lý nghiêm trường hợp cán bộ có hành vi lợi dụng, tiếp tay cho việc đổi tiền mới in không đúng quy định.

Lãnh đạo Trung tâm tiền mặt của một ngân hàng thương mại nhà nước cho biết, thực ra năm nào Ngân hàng Nhà nước cũng có chỉ thị về việc cấm đổi tiền lẻ mới trái quy định và pháp luật cũng có quy định xử phạt, tuy nhiên, đến nay chưa có trường hợp nào bị xử phạt. Chính vì vậy, vị này cho rằng dự kiến năm nay, cơ quan quản lý sẽ “làm căng” hơn để đảm bảo tính răn đe của quy định.

Vị này cũng cho hay, năm nay nhu cầu tiền mặt giảm khá nhiều so với mọi năm. “Thường thường mọi năm nhu cầu tiền mặt cuối năm tăng đột biến. Nhưng năm nay, đại dịch Covid-19 khiến các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử tăng trưởng rất mạnh, người dân các thành phố cũng quen dần với hình thức thanh toán này. Vì thế, nhu cầu tiền mặt có tăng so với bình thường nhưng Tết năm nay sẽ không cao như mọi năm. Ví dụ mọi năm, dịp Tết chúng tôi rút tiền mặt tăng gấp 4 so với ngày thường nhưng năm nay, dự kiến chỉ tăng khoảng gấp đôi thôi” – ông nói.

Về tiền mệnh giá thấp, ông cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn phải phát hành vào dịp cận Tết để đảm bảo đủ cơ cấu mệnh giá tiền trong lưu thông.

“Trong năm chúng tôi vẫn phát hành tiền mệnh giá thấp, tuy nhiên tiền phát ra nhưng cả năm ngân hàng không thu vào được. Người dân không nộp vào ngân hàng, mà có thể họ “om” lại để sử dụng hoặc để đổi ra thị trường vào những dịp cuối năm này. Do đó, để đảm bảo đủ cơ cấu mệnh giá tiền trong lưu thông thì Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn phải phát ra cả tiền cũ và tiền mới, chứ không chỉ chi ra toàn tiền mệnh giá lớn được. Tuy nhiên, loại tiền này sẽ chủ yếu đáp ứng nhu cầu khách hàng rút tiền tại các ATM” – vị cán bộ ngân hàng này chia sẻ.

Đổi tiền lẻ, tiền mới có phí chênh lệch là hành vi trái pháp luật và đã có quy định xử phạt.

Cụ thể, tại điểm a Khoản 5 Điều 30 Nghị định 88/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm quy định về quản lý tiền tệ và kho quỹ như sau:

Đối với cá nhân vi phạm, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Với tổ chức, cùng một hành vi vi phạm, mức phạt hành chính bằng 02 lần mức phạt đối với cá nhân.