Dàn cảnh bắt cóc tống tiền để lấy lòng bạn gái có thể phải ngồi tù bao nhiêu năm?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Như Báo ANTĐ đã đưa tin, mới đây, CAQ Đống Đa, Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Đức (SN 1997, trú tại Nông Cống, Thanh Hoá) và 3 đối tượng khác về tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật do có hành vi dàn cảnh bắt cóc, tống tiền.

Các đối tượng còn lại là Triệu Ồng Nhất (SN 1996, trú tại xã Nậm Dạng, huyện Văn Bàn, Lào Cai), Hoàng Ồng Nhất (SN 1998, trú tại xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, Lào Cai), Lương Thanh Miều (SN 1998, trú tại xã Võ Lao, huyện Văn Bàn, Lào Cai).

Sau nhiều lần bày tỏ tình cảm nhưng không được đáp lại, Đức đã nhờ Miều lên kế hoạch vụ giả bắt cóc, tống tiền, để Đức đến giải cứu, nhằm khiến nạn nhân cảm động…

Phân tích vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Thu, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, hành vi dàn cảnh bắt cóc đòi tiền chuộc để thể hiện “anh hùng cứu mỹ nhân” của các đối tượng cho thấy sự bồng bột, thiếu hiểu biết về pháp luật.

Mặc dù các đối tượng thực hiện hành vi không nhằm mục đích nhắm đến tài sản và số tiền 500 triệu đồng này là các đối tượng bịa ra, thực tế không có thiệt hại về tài sản cho người bị uy hiếp song đây là hành vi bắt giữ người trái pháp luật, cản trở quyền tự do đi lại, hoạt động và các quyền khác của nạn nhân. Hành vi này có dấu hiệu cấu thành tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật.

Các đối tượng trong vụ án tại cơ quan công an

Các đối tượng trong vụ án tại cơ quan công an

Điều 157 BLHS 2015 quy định, người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội 2 lần trở lên; Đối với 2 người trở lên; Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ… thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Phạm tội làm người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật chết hoặc tự sát; Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật 46% trở lên thì bị phạt tù từ 5-12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1-5 năm.

Về cấu thành tội phạm, Luật sư Thu cho rằng, mặt khách quan của tội Bắt, giữ người trái pháp luật được thể hiện ở hành vi khống chế người khác để tạm giữ hoặc tạm giam họ (như trói, còng tay, nhốt...). Người không có thẩm quyền nhưng lại thực hiện việc bắt, giữ, giam người khác.

Giữ người trái pháp luật được hiểu là việc không cho người bị bắt đi đâu vượt ra ngoài sự kiểm soát của người phạm tội. Giam người trái pháp luật được thể hiện qua hành vi nhốt người bị bắt vào một nơi trong một thời gian nhất định.

Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến quyền tự do thân thể của công dân được pháp luật bảo vệ. Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

Cũng theo Luật sư Thu, hiện cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với các đối tượng dàn cảnh bắt cóc. Các đối tượng đã cùng thực hiện hành vi, có phân công và chuẩn bị rõ ràng nên được xác định là đồng phạm cùng thực hiện tội phạm. Cơ quan công an sẽ điều tra, xem xét, làm rõ vai trò của từng đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật.

"Việc đối tượng dàn dựng cảnh bắt cóc tống tiền hòng khiến đối phương cảm động là vô cùng ngu ngốc, không đáng để tung hô và tuyệt đối không nên bắt chước vì đây là hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến các quyền lợi của người khác, đẩy họ vào cảnh nguy hiểm, hoảng loạn... Do vậy, mỗi cá nhân trước khi quyết định làm việc gì cần suy nghĩ thận trọng, thấu đáo kẻo chuuyện tình cảm không những không được như mong muốn mà còn tự đẩy mình vào vòng lao lý" - Luật sư Thu khuyến cáo.