Dám từ chối thành tỉ phú để kiên định với tầm nhìn

ANTD.VN - Lần đầu tiên tôi được nghe về triết lý “Vươn ra biển lớn” là tại sự kiện Vietnam CEO Congress 2018 diễn ra trong hai ngày 17 và 18-8-2018. Ở sự kiện dành cho các doanh nhân cầu tiến đó, lãnh đạo của Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã nói về chiến lược “Vươn ra biển lớn” như trọng trách của một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu đàn. Khi đó cũng không phải ai cũng biết rằng, tư duy này đã được hình thành từ rất lâu trước đó, khi ông Trần Quí Thanh lắc đầu trước số tiền 2,5  tỉ USD...

Nữ doanh nhân Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát   chia sẻ tại Hội thảo “Doanh nghiệp Việt ra biển lớn”

Khi "Vươn ra biển lớn" là những khắt khe tới từng chi tiết

Trong buổi chia sẻ quan điểm với các doanh nhân tại sự kiện Vietnam CEO Congress 2018, nhà sáng lập Tập đoàn Trần Quí Thanh đã say sưa nói về mục tiêu “Vươn ra biển lớn” của Tân Hiệp Phát. Bởi ở thị trường trong nước, những sản phẩm mang thương hiệu Trà thanh nhiệt Dr Thanh, Trà xanh Không độ và các sản phẩm Number 1 khác của doanh nghiệp này đã quá thân thiết với người tiêu dùng.

Thậm chí, tại một số thị trường nước ngoài, Tân Hiệp Phát cũng dần chinh phục được những vị khách khó tính nhất bằng các sản phẩm chất lượng, tự nhiên, có ích cho sức khỏe và sản xuất bằng công nghệ aseptic vô trùng tiên tiến nhất thế giới. Tất cả điều đó vẫn chưa đủ để những người đứng đầu tập đoàn này cảm thấy an phận và dừng lại. Họ còn cho rằng nếu an phận và dừng lại thì đó là một sai lầm. 

Nhưng việc đặt ra những mục tiêu ở thị trường quốc tế không thể chỉ là những lời nói úy lạo tinh thần. Đằng sau đó, có không ít vất vả mà không phải ai cũng biết. Tại buổi hội thảo “Doanh nghiệp Việt ra biển lớn” vừa diễn ra tại TP.HCM đầu tháng 4-2019, chị Trần Uyên Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát - đã chia sẻ một phần rất nhỏ trong hàng loạt nỗi lo và sự vất vả đó.

Chẳng hạn như, khi doanh nghiệp đã vượt tầm ở thị trường nội địa, giờ mở rộng ra thị trường quốc tế, thì làm sao để vừa tạo dấu ấn trên đất bạn, vừa giữ vững được vị thế đang có ở sân nhà? Đó là câu hỏi vô cùng hóc búa, liên quan tới hàng loạt vấn đề: Đầu tư mở rộng quy mô, tăng cường đội ngũ nhân sự, tối ưu hóa cơ chế quản lý vì quy mô tăng lên không ngừng...

Tất nhiên, khi chúng ta còn đang loay hoay trong mớ vấn đề phức tạp đó, thì những người lãnh đạo của Tân Hiệp Phát đã tự tìm ra câu trả lời cho riêng họ. Đó là hướng đi “dùng sự đặc trưng và tinh tế của châu Á để chinh phục cả... Á, Âu và Mỹ”.

“Muốn trở thành công ty hàng đầu châu Á, trước hết, chúng tôi phải là công ty số 1 ở Việt Nam. Và để giữ được vị trí dẫn đầu chúng tôi phải cải tiến, phải là những cánh chim đầu đàn, phải liên tục thay đổi để hoàn thiện bản thân mình không chỉ về mặt chất lượng sản phẩm mà cả về chất lượng toàn diện của dịch vụ, thỏa mãn cho người tiêu dùng”, nữ doanh nhân Trần Uyên Phương bày tỏ. 

Trong phần chia sẻ với sự say mê giống như người cha của cô - nhà sáng lập Tập đoàn từng thể hiện trước đó, nữ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã chỉ ra ưu điểm mà họ nhận thấy, khi là một doanh nghiệp đi lên từ mảnh đất hình chữ S: Tân Hiệp Phát nắm trong tay những công thức, bí quyết và cả kinh nghiệm để tạo ra những sản phẩm tự nhiên, có lợi cho sức khỏe. Đó là điều mà cả châu Âu và Mỹ khó lòng theo kịp.

Những giọt nước giải khát giá trị đó lại được chuẩn hóa và đóng chai tại 10 dây chuyền aseptic hiện đại nhất thế giới (Tân Hiệp Phát đã chi ra tới 300 triệu USD để mua loạt dây chuyền này), giúp cho sản phẩm “đặc trưng Á Đông” đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất của hệ thống tiêu chuẩn Âu, Mỹ.

“Thay vì thấy khó để nản chí, thì hãy thấy điểm mạnh của mình để phát huy” - là điều tôi nhìn thấy rõ nhất trong câu chuyện “Vươn ra biển lớn” mà Tân Hiệp Phát vẫn đang từng ngày, từng giờ đặt bút viết. Nếu doanh nghiệp Việt nào cũng có thể tự mình viết một cuốn sách như vậy, hẳn nền kinh tế Việt Nam sẽ có thêm rất nhiều đột phá bất ngờ với gam màu tươi sáng.

Tân Hiệp Phát liên tục hoàn thiện chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, thỏa mãn     cho người tiêu dùng

Những điều bây giờ mới kể đằng sau "Vươn ra biển lớn"

Trong cuộc trò chuyện ở hội thảo “Doanh nghiệp Việt ra biển lớn”, nữ doanh nhân Trần Uyên Phương đã hé lộ những điều chưa từng kể, khiến không ít người tưởng như hiểu rõ về Tân Hiệp Phát cũng bất ngờ.

Đó là vào năm 2013, khi “gã khổng lồ” từ nước Mỹ Coca Cola đặt vấn đề mua lại một phần tập đoàn Tân Hiệp Phát với giá 2,5 tỉ USD, ông Trần Quí Thanh đã từ chối, vì 2 điều kiện vô cùng... lạ từ phía Coca Cola.

Một là, Tân Hiệp Phát chỉ được bán sản phẩm của họ tại thị trường 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Hai là, doanh nghiệp này không được tung ra thêm bất kỳ sản phẩm mới nào cả.

Thật kỳ lạ, nếu như thương vụ mua bán này xảy ra, tại sao một tập đoàn khổng lồ lại muốn hạn chế sự lớn mạnh của một công ty nội địa, trong bối cảnh công ty đó đang có sức vươn lên như vũ bão? Mảng nghiên cứu sản phẩm của Tân Hiệp Phát khi đó đã rất mạnh, cớ sao Coca Cola lại muốn đóng cửa hoàn toàn bộ phận “khối óc” này?

Tôi đã mang băn khoăn đó trao đổi với một chuyên gia kinh tế và nhận được câu trả lời khá thỏa mãn. “Trong kinh doanh, việc mua lại công ty đối thủ có 2 mục đích trái ngược nhau. Hoặc là để phát triển, hoặc là để... kiềm tỏa. Đối với một tập đoàn đa quốc gia, họ có lợi thế là có thể chấp nhận lỗ ở một thị trường nào đó, và dùng lợi nhuận từ các thị trường khác bù đắp, để tiếp tục duy trì ở thị trường bị lỗ. Quá trình này có thể kéo dài 10 năm, 20 năm. Và khi các doanh nghiệp cạnh tranh ở nội địa không trụ nổi, thì tập đoàn đa quốc gia sẽ hoàn toàn áp đảo”, vị chuyên gia kinh tế phân tích.

Vậy là ở thời điểm cách đây 7 năm, khi đối diện lời đề nghị hết sức ngọt ngào từ “người khổng lồ” nước Mỹ, ông Trần Quí Thanh đã nhìn ra những điều được - mất đó!

Tôi tin rằng, ngay trong khoảnh khắc ngả lưng trên chiếc chuyên cơ được Coca Cola thuê riêng mời gia đình Dr. Thanh sang Mỹ để thương thảo, ông Trần Quí Thanh đã có câu trả lời kiên định cho mình và kiên định dựng xây một thương hiệu Việt.

2,5 tỉ USD là một con số rất lớn! Và việc có thể hợp sức với một tập đoàn lớn như Coca Cola, rõ ràng là cơ hội tuyệt vời. Nhưng khi lời đề nghị đó lại đi kèm yêu cầu kiềm tỏa, hoàn toàn trái ngược với triết lý “hôm nay phải hơn hôm qua, nhưng không bằng ngày mai”, thì việc Dr. Thanh lắc đầu từ chối quả là điều... đáng suy ngẫm.

Qua câu chuyện đó, nữ doanh nhân Trần Uyên Phương cũng đã chia sẻ thêm rằng, mong muốn “Vươn ra biển lớn” của Tân Hiệp Phát đã có từ rất lâu. Nếu giàu về tiền bạc mà không được thỏa đam mê, không được phát huy chí lớn, thì giàu... để làm gì?

Có một lần, tôi đi cùng người bạn du học ở nước ngoài về Việt Nam chơi. Chúng tôi dừng trước một hàng tạp hóa để mua nước uống. Rất nhanh chóng, bạn lựa chai “Trà thảo mộc Dr. Thanh”, dù cạnh đó, những loại nước giải khát của Âu, Mỹ chất đầy.

- “Tại sao lại chọn chai nước này?”

- “Những chai nước kia ngang tiền, thì tại sao không mua thứ nước mang thương hiệu Việt, lại tốt cho sức khỏe, cùng tiêu chuẩn Âu, Mỹ - có hơn không?”

Câu hỏi ngược đó của người bạn làm tôi mỉm cười. Đó cũng là lý do tôi tin Tân Hiệp Phát sẽ thành công khi “Vươn ra biển lớn”, như những gì họ đã làm được ở dải đất hình chữ S của nước Việt mến yêu!

Tin cùng chuyên mục