Đám cưới quê nghèo

ANTĐ - Dạo này dịp cuối tuần là ông lặn mất tăm, có trang trại, nhà vườn ở đâu đó nên về nghỉ dưỡng, tránh xa ồn ào phố thị à?

- Giễu nhau làm gì. Đúng là tôi cuối tuần nào cũng tất bật về quê, chẳng dự đám cưới thì cũng là đám "sang cát". Mệt hết cả người.

- Đi đám cưới thì vui chứ mệt nỗi gì, với lại ông cũng có tý chức sắc chắc toàn được rước lên ngồi mâm trên. Oách!

- Oách cái nỗi gì, về quê là phải chào hỏi từ người già đến người trẻ, rồi phải cụng ly hết người này đến người khác. Không uống là bị "ăn chửi" ngay, là bị nói rằng khinh người, là không nhớ đến ai cả. Khổ. Mà ông lạ gì, ở quê nhiều người uống rượu như uống nước lã. Đi một đám cưới về, mình mệt đến mấy hôm.

- Thế thì khổ thật, mà đám cưới ở quê giờ cũng to lắm, quê ông nghèo chắc đơn giản hơn?

- Đơn giản thì cũng phải ăn 2 ngày, 3 bữa, trên mâm cỗ cũng phải đủ 3 bát 5 đĩa, thức ăn ngồn ngộn nhưng phải ngon. Nhà nào không làm được thế thì tiếng để đời chứ bỡn.

- Thế những nhà nghèo thì sao?

- Thì đi vay đi mượn, sau đám cưới cả nhà nai lưng làm trả nợ. Có nhà lừng chừng mãi chưa dám làm đám cưới cho con chỉ vì chẳng biết trông vào đâu để có tiền.

- Con cái đến tuổi dựng vợ gả chồng thì phải cố, nhưng cưới xin mà phải mang công mắc nợ thì khổ thật.

- Quá khổ, đã nghèo lại thêm nghèo, mà bây giờ vẻ như nhiều hủ tục bắt đầu quay trở lại ở một vài vùng quê rồi, ông ạ.

- Thế cho nên việc xây dựng nông thôn mới không chỉ là "điện, đường, trường, trạm" mà phải chú trọng xây dựng nếp sống mới, con người mới, xóa các hủ tục.

- Nói thì dễ, làm mới khó.

- Khó cũng phải làm, chứ không, bây giờ một số nơi chẳng ra kiểu gì, nửa quê nửa tỉnh và vẫn nghèo. Buồn lắm!