Đảm bảo quyền công dân cho những người bị tạm giữ, tạm giam

ANTĐ - Đó là yêu cầu của Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc CATP, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự CATP Hà Nội, tại hội nghị đánh giá công tác chuẩn bị thực hiện bầu cử Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 cho cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ tại trại tạm giam và nhà tạm giữ của CATP Hà Nội được tổ chức vào sáng 20-4.

Đánh giá sơ bộ, tính đến ngày 20-4, các cơ sở giam giữ đã quán triệt đầy đủ kế hoạch số 61 của CATP, đồng thời đã xây dựng kế hoạch bầu cử cho cử tri là người bị tạm giữ, tạm giam tại các cơ sở giam giữ, trong đó đảm bảo quyền bầu cử đối với những người bị tạm giữ, tạm giam cũng như có kế hoạch bảo vệ an toàn cơ sở giam giữ trước trong và sau khi bầu cử.

Các cơ sở giam giữ đã xác định rõ đối tượng lập danh sách, niêm yết danh sách cử tri là người bị tạm giam, tạm giữ và xóa tên khỏi danh sách cử tri những đối tượng theo quy định tại Điều 30 của Luật Bầu cử (người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người mất năng lực hành vi dân sự).

Thiếu tướng Đinh Văn Toản phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Là đơn vị chủ trì, Phòng Cảnh sát Thi hành án và hỗ trợ tư pháp đã xây dựng các văn bản đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở giam giữ xây dựng kế hoạch rà soát, lập danh sách, niêm yết danh sách cử tri là người bị tạm giữ, tạm giam, đồng thời bảo vệ an toàn các cơ sở giam giữ.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thiếu tướng Đinh Văn Toản yêu cầu các cơ sở giam giữ nghiêm túc thực hiện kế hoạch 61 của CATP; thực hiện đầy đủ 5 bước trong phối hợp với cơ quan bầu cử ở địa phương, rà soát danh sách cử tri, tổ chức cho những người bị tạm giam, tạm giữ thực hiện quyền công dân của mình; Yêu cầu những nhà tạm giữ của 11 công an các quận, huyện chưa niêm yết danh sách cử tri phải thực hiện ngay theo đúng yêu cầu của luật bầu cử.

“Do tính chất đặc thù đối tượng cử tri là người bị tạm giữ, tạm giam, thường biến động do thay đổi biện pháp ngăn chặn của các cơ quan tiến hành tố tụng… nên danh sách cử tri cũng có sự thay đổi thường xuyên, do đó 2 nhà tạm giam và 29 nhà tạm giữ phải có sự phối hợp tốt với các đơn vị bầu cử ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho những cử tri đặc thù được thực hiện quyền công dân.

Nhiều nhà tạm giữ đã tổ chức tập huấn luật bầu cử cho các đối tượng bị tạm giữ, tạm giam còn quyền công dân

Đến hết ngày 15-5 tại các nhà tạm giữ của công an các quận huyện phải có danh sách đầy đủ cử tri và đến 24h ngày 21-5 nếu chưa nhận được bản án có hiệu lực thi hành và bản án có kháng cáo, kháng nghị thì cử tri đó vẫn được quyền bầu cử” - Thiếu tướng Đinh Văn Toản nêu rõ.

Đồng thời, Thiếu tướng Đinh Văn Toản cũng giao Báo An ninh Thủ đô, Phòng Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Phòng Công tác chính trị tổ chức công tác tuyên truyền đến các cử tri là các đối tượng đang bị tạm giữ, tạm giam để các cử tri đặc biệt hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình.

Thiếu tướng Đinh Văn Toản cũng đề nghị Phòng Cảnh sát thi hành án và hỗ trợ tư pháp, Phòng Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Phòng Tham mưu CATP có tờ trình Ban Giám đốc về đề xuất kinh phí cho 2 trại tạm giam và 29 nhà tạm giữ tổ chức bảo vệ bầu cử.