Giải tỏa chợ tạm Tự Khoát

Đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Đợt dịch Covid thứ tư vừa qua đã bộc lộ những lỗ hổng đáng lo ngại trong hoạt động của chợ tạm, chợ cóc nói chung và chợ tạm Tự Khoát nói riêng. Chưa kể, chợ tạm Tự Khoát không nằm trong quy hoạch hệ thống mạng lưới chợ của huyện”, đại diện phòng Kinh tế, huyện Thanh Trì, Hà Nội bày tỏ.

Xử lý không triệt để, chợ tạm ngày càng…ổn định!

Ngày đầu tháng 10, chúng tôi tìm đến khu vực hoạt động của chợ tạm Tự Khoát, xã Ngũ Hiệp, nơi mà người dân vẫn quen gọi là khu Đình Ông Tướng. Đang là thời điểm xã, huyện triển khai các biện pháp quyết liệt, yêu cầu dừng hoạt động các chợ tạm, chợ cóc, trong đó có chợ tạm Tự Khoát, nên khung cảnh khá đìu hiu. Một vài xe thồ, người gồng gánh trước cổng chợ dạt sát hè mỗi khi có xe ô tô tải đi qua. Quan sát dễ nhận thấy nguy cơ lớn mất an toàn giao thông nếu khu chợ tạm này hoạt động tấp nập, bởi nó kề sát gầm cầu chui, ngay ngã ba đường, vừa nhiều giao cắt lại bị che khuất tầm nhìn.

Chợ tạm Tự Khoát nằm trước Đình Ông Tướng, ngay sát ngã ba đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông

Chợ tạm Tự Khoát nằm trước Đình Ông Tướng, ngay sát ngã ba đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông

Đình Ông Tướng ở vị trí ngay mặt đường liên thôn; đối diện có cây đa lớn, có khoảng khuôn viên lát gạch khá hữu tình. Tuy nhiên ngay sát đó là đoạn sông nước sẫm màu, ven bờ cây dại đổ rạp, ngổn ngang và nhếch nhác.

Theo tìm hiểu, từ khoảng năm 2000, chợ tạm Tự Khoát đang hoạt động ở khu vực Đình Ông Tướng hiện nay – vốn là “chợ quê” từ mấy chục năm trước – từng bị giải tỏa khi huyện Thanh Trì thi công giải phóng mặt bằng hạ tầng một số công trình. Thay thế chợ tạm Tự Khoát và dịch chuyển đến vị trí hợp lý hơn, là chợ Tương Chúc, diện tích trên 6.500 m2, với quy mô 1 nhà chính, 2 dãy ki ốt, 3 dãy nhà rông, nhà bảo vệ, nhà ban quản lý…

Trục đường có nhiều phương tiện tham gia giao thông

Trục đường có nhiều phương tiện tham gia giao thông

Tuy nhiên từ sau thời điểm đó, một số hộ kinh doanh, người dân vẫn tìm về khu vực Đình Ông Tướng để họp chợ. Chính quyền huyện, xã nhiều lần giải tỏa, nhưng không thực sự quyết liệt, triệt để, khiến “quy mô” của chợ tạm Tự Khoát ngày càng phát triển. Thống kê hiện có khoảng 70 ki ốt và khá nhiều hộ, cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ hoạt động ở khu vực này.

Suốt thời gian qua, không cơ quan cấp xã, huyện nào quản lý chợ tạm Tự Khoát. Đặc biệt, đại dịch Covid đã khiến bộc lộ lỗ hổng, yếu kém lớn trong công tác quản lý, kiểm soát, khi chợ tạm Tự Khoát phát sinh ca F0. Chủ tịch xã Ngũ Hiệp, ông Nguyễn Văn Sung thừa nhận: “Thời điểm ấy, xã thực sự lúng túng, bị động trong công tác phối hợp truy vết. Bởi gần như không có đầu mối nào để nắm bắt, kiểm soát”. Cùng với 100% chợ tạm, chợ cóc trên địa bàn huyện Thanh Trì, chợ tạm Tự Khoát đã phải dừng hoạt động, để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh.

Cần lắm sự đồng thuận, vì sự phát triển chung của địa bàn

Ngày 7-10, UBND xã Ngũ Hiệp ra văn bản số 299/TB-UBND, thông báo Kết luận của UBND huyện Thanh Trì về chủ trương liên quan đến chợ tạm Tự Khoát.

Đoạn sông trước cửa đình trông rất nhếch nhác

Đoạn sông trước cửa đình trông rất nhếch nhác

Đại diện phòng Kinh tế huyện Thanh Trì cho biết: chợ tạm Tự Khoát không nằm trong danh mục, quy hoạch mạng lưới các chợ được phép hoạt động của huyện. Thời gian qua, để lần lượt đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới, rồi hướng phát triển thành quận đến trước năm 2025 theo chủ trương của Thành phố, huyện Thanh Trì đã hình thành hệ thống mạng lưới 22 chợ, đảm bảo ít nhất mỗi xã, thị trấn có 1 chợ. Riêng địa bàn xã Ngũ Hiệp, ngoài chợ tạm Tự Khoát, hiện có 2 chợ nằm trong hệ thống.

Trong câu chuyện với PV ANTĐ, lãnh đạo huyện Thanh Trì và xã Ngũ Hiệp đều bày tỏ quyết tâm phải giải tỏa chợ tạm Tự Khoát. Sự cố liên quan đến ca F0 vừa qua chỉ là “giọt nước tràn ly”. Bởi lâu nay, hoạt động của chợ tạm Tự Khoát tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nguy cơ về hỏa hoạn, và nhất là, chợ tạm không có sự quản lý Nhà nước nào.

“Giải tỏa chợ tạm Tự Khoát, sâu xa và về lâu dài trong chủ trương của huyện, chúng tôi đều hướng đến người dân, vì sự phát triển văn minh của địa bàn”, ông Nguyễn Tiến Cường – Chủ tịch huyện Thanh Trì khẳng định.

Giải tỏa chợ tạm Tự Khoát là quyết tâm lớn của huyện Thanh Trì

Giải tỏa chợ tạm Tự Khoát là quyết tâm lớn của huyện Thanh Trì

Ghi nhận giai đoạn mang tính chất “lịch sử” của chợ tạm Tự Khoát, hiểu thói quen ưa mua bán tại chỗ, gần nhà của người dân; trong kế hoạch giải tỏa chợ tạm Tự Khoát, nhằm đảm bảo an sinh xã hội, huyện đã hướng dẫn xã thông báo các hộ tiểu thương, nếu tiếp tục có nhu cầu thì nộp đơn đăng ký để xã tổng hợp danh sách báo cáo UBND huyện sắp xếp, bố trí có địa điểm kinh doanh tại chợ lân cận.

“Tinh thần là chúng tôi ưu tiên sắp xếp đối với hộ kinh doanh là người có hộ khẩu cư trú tại Tự Khoát, xã Ngũ Hiệp, và sẽ chuyển đến 2 chợ đang hoạt động trên địa bàn. Những trường hợp khác sẽ tùy theo năng lực tiếp nhận của 2 chợ”, chủ tịch xã Ngũ Hiệp, ông Nguyễn Văn Sung nêu rõ, và thông tin, tính đến chiều 12-10, đã có hơn 50 hộ kinh doanh, trong đó 21 trường hợp là công dân của thôn Tự Khoát đăng ký được chuyển đến địa điểm kinh doanh mới.

Ngũ Hiệp trong tương lai không xa sẽ trở thành phường thuộc quận Thanh Trì. Khu vực xung quanh Đình Ông Tương, huyện đã chủ trương, ngay sau khi giải tỏa chợ tạm Tự Khoát, sẽ lập và thực hiện dự án cải tạo khu Đình Ông Tướng.

Ông Hoàng Ánh – chủ tịch hội doanh nghiệp vừa và nhỏ huyện Thanh Trì, cũng là người quản lý chợ Quang (xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì) chia sẻ: “Chợ tạm Tự Khoát giống chợ Quang của chúng tôi gần 10 năm về trước, khi phải giải tỏa từ mặt đường Kim Giang để chuyển về vị trí hiện nay. Hơn ai hết, chúng tôi cảm thông, hiểu được những khó khăn của các hộ kinh doanh khi phải dịch chuyển chợ. Song, tất cả chỉ là thói quen, và chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi bằng thói quen mới, khi nó có lợi hơn cho cộng đồng và cho chính điều kiện sống, sinh hoạt của người dân”.