Đảm bảo “mục tiêu kép”: Linh hoạt áp dụng các biện pháp chống dịch và phát triển kinh tế, không cực đoan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc một số địa phương áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, cách ly 21 ngày đối với người về từ vùng dịch… đang gây khó khăn cho doanh nghiệp, khó đảm bảo sản xuất. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đã trao đổi với PV An ninh Thủ đô về việc nên làm thế nào để thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại TP HCM, tỉnh Đồng Nai đã có quyết định cách ly 21 ngày đối với người về từ TP HCM. Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp tại Đồng Nai, quyết định này là “ngăn sông cấm chợ”, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Trước tỉnh Đồng Nai, khi dịch bệnh bùng phát tại Hải Dương và Bắc Giang, một số tỉnh thành phố lân cận các địa phương này cũng có quyết định “khá cứng rắn”, buộc Chính phủ và các Bộ, ngành phải có giải pháp can thiệp. Theo ông, những quyết định như trên ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp?

- TS Nguyễn Minh Phong: Hiện tại, việc áp dụng hình thức, biện pháp ngăn chặn dịch bệnh đã được Chính phủ phân quyền cho địa phương quyết định, căn cứ vào diễn biến thực tế của dịch bệnh.

Ngành y tế địa phương sẽ tham mưu cho chính quyền địa phương áp dụng biện pháp nào. Trong một số trường hợp, ngành y tế địa phương còn tham khảo ý kiến của các chuyên gia từ Trung ương, từ Bộ Y tế…

Do đó, trước khi ban hành các quyết định như: giãn cách xã hội, cách ly xã hội, cách ly người về từ vùng có dịch trong khoảng thời gian bao lâu… địa phương đều dựa trên tình hình thực tế. Chúng ta kiên định “mục tiêu kép” nhưng cũng ưu tiên chống dịch.

- Ông có cho rằng các quyết định tương tự như trên được thực hiện một cách cực đoan, vội vàng, khiến doanh nghiệp không kịp trở tay?

- Như tôi đã nói ở trên, các quyết định của địa phương đều căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi tỉnh, thành phố. Do đã được phân công trách nhiệm nên địa phương sẽ căn cứ vào năng lực của hệ thống y tế, khả năng khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh của địa phương và tham khảo ý kiến cấp trên để quyết định. Dù vậy, theo tôi, cần áp dụng các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh một cách linh hoạt, không lạm dụng hay quá cực đoan.

Về phía doanh nghiệp, họ có phản ứng lại các quyết định trên là điều dễ hiểu, vì họ lo ngại gia tăng chi phí, đứt gãy chuỗi sản xuất, đền bù hợp đồng… Để nhận được sự đồng thuận của doanh nghiệp, địa phương nên họp với doanh nghiệp, giải thích cho doanh nghiệp hiểu nguy cơ dịch bệnh với địa phương và biện pháp đưa ra là phù hợp với tình hình. Doanh nghiệp căn cứ vào đó phải bố trí sản xuất phù hợp, vì một khi dịch bệnh lây lan trong doanh nghiệp, họ cũng chịu thiệt hại.

- Thực tế cho thấy trong tháng 5, do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến hoạt động sản xuất đình trệ, xuất khẩu sụt giảm. Theo ông, doanh nghiệp nên làm gì để ứng phó với dịch bệnh mà vẫn đảm bảo sản xuất?

- Câu chuyện “ngăn sông cấm chợ” này được nhắc tới nhiều trong lần dịch bùng phát tại Hải Dương buộc Chính phủ và các Bộ, ngành phải có ý kiến. Tôi cho rằng vẫn nên tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế, áp dụng biện pháp phù hợp.

Đối với doanh nghiệp, để duy trì sản xuất và phòng chống dịch bệnh, nên áp dụng giải pháp như Bắc Ninh, Bắc Giang hiện tại là: bố trí cho công nhân, người lao động ăn ngủ tại công ty, hoặc tổ chức sản xuất ở nơi an toàn. Địa phương nên để doanh nghiệp tự đề xuất giải pháp và doanh nghiệp nào đáp ứng đủ điều kiện an toàn thì cho sản xuất, kinh doanh bình thường.

Xin cảm ơn ông!