Đảm bảo an toàn tại khu vực có hàng trăm chung cư, tập thể cũ tiềm ẩn nguy cơ cháy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với những chung cư, tập thể cũ trên địa bàn quận Ba Đình, Hà Nội có tuổi đời từ 40 đến 50 năm, đã xuống cấp trầm trọng. Trong khi đó, hầu hết những chung cư và tập thể cũ không được trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy, là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ cao về cháy, nổ.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Ba Đình tổ chức phương án diễn tập PCCC và CNCH tại chung cư, tập thể cũ trên địa bàn

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Ba Đình tổ chức phương án diễn tập PCCC và CNCH tại chung cư, tập thể cũ trên địa bàn

“Chuồng cọp” chặn lối thoát hiểm, cứu nạn

Vụ cháy xảy ra khoảng 13h50 ngày 11-11, tại tầng 3 nhà G1, tập thể Thành Công, ngõ 10 phố Nguyên Hồng, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội là hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn PCCC tại khu tập thể cũ.

Chỉ một phút sơ suất bất cẩn, lửa đã đe dọa đến tính mạng của hai bà cháu đang ở trong phòng. Đám cháy bùng phát, khói đen bao trùm toàn bộ căn phòng và đe dọa đến các căn hộ lân cận. Rất may, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an quận Ba Đình, và CAQ Đống Đa đã nhanh chóng phối hợp cứu nạn 2 bà cháu thoát hiểm an toàn. Đám cháy đã được khống chế và dập tắt.

Hiểm họa xảy cháy tại chung cư cũ vẫn luôn rình rập ở mọi lúc, mọi nơi như thế. Mặc dù lực lượng chức năng đã đánh giá và đưa ra nhiều biện pháp cảnh báo, phòng ngừa, tuy nhiên do thực trạng cụ thể của công trình như cũ nát, xuống cấp hạ tầng từ xây dựng cho đến hện thống điện và hơn nữa là sự chủ quan, lơ là thiếu kiến thức, kỹ năng phòng ngừa cháy, nổ của người dân.

Một công trình xuống cấp, “3 không” với an toàn PCCC còn có thể khắc phục với sự nỗ lực của cơ quan chức năng và sự giám sát của chính quyền cơ sở. Thế nhưng, với trên 200 công trình tập thể, chung cư cũ trên địa bàn quận Ba Đình, là thách thức rất lớn đối với công tác an toàn PCCC, đe dọa tính mạng của những người đang sinh sống. Sở dĩ thực trạng này kéo dài và luôn tiềm ẩn cháy, nổ xuất phát từ sự bất cẩn của người dân. Sự cải tạo chắp vá do nhu cầu sinh hoạt, lắp lồng sắt tận dụng không gian sống cùng với những hệ thống dây dẫn, ổ cắm điện vốn có từ cách đây 40 đến 50 năm đã hết “đát” sử dụng, nhưng vẫn phải duy trì và dùng song song cùng những thiết bị điện tân thời với công suất cao hơn sức chịu tải... Chưa kể đến nhiều gia đình sắm đầy đủ thiết bị điện có công suất lớn, nhưng vẫn dùng ổ điện và đường dây dẫn điện cũ thì xảy ra cháy chỉ còn là vấn đề thời gian.

Một thực tế là khi xảy cháy không biết chạy đâu, lấy gì dập lửa và dập như thế nào? Sự lúng túng, hoảng loạn thường thấy trong những sự cố hỏa hoạn và những nguy cơ thiệt hại về người, tài sản là ranh giới rất mong manh. Bởi lẽ, hiện nay tập thể và chung cư cũ đều bị bịt lối thoát nạn bằng lồng sắt. Sự tồn tại thường thấy ở mỗi gia đình là không trang bị bình chữa cháy, để đề phòng xảy sự cố chữa xảy ra.

Thượng tá Hoàng Hà Trung, Phó trưởng CAQ Ba Đình phân tích: “Nhiều gia đình có thể bỏ ra số tiền hàng chục triệu đồng để mua sắm đồ đạc có giá trị, nhưng để trang bị bình chữa cháy vài trăm nghìn đồng thì ít người nghĩ đến. Bình chữa cháy trang bị sẵn trong gia đình và biết cách sử dụng là vật cứu mạng cho người và tài sản khi đám cháy chưa bùng phát lớn”.

Hướng giải pháp hữu hiệu

Theo thống kê của CAQ Ba Đình, hiện nay trên địa bàn quận có 219 nhà tập thể, chung cư cũ. Đa số các chung cư, tập thể cũ đều không được trang bị phương tiện PCCC. Trong khi đó, hầu hết các hộ gia đình đều lắp lồng sắt chống trộm và đây là việc làm ngăn cản sự thoát nạn, làm chậm việc tiếp cận cứu nạn, chữa cháy của lực lượng cứu hỏa dẫn đến nguy cơ cháy lan, cháy lớn khi xảy hỏa hoạn. Tồn tại này không chỉ là mối hiểm họa mà còn đang vi phạm quy định an toàn PCCC diễn ra ở đây.

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, chỉ huy CAQ Ba Đình nêu rõ: “Khó khăn lớn nhất trong công tác quản lý an toàn PCCC và CNCH đối với các cơ sở này là không có ban quản trị, hoặc chủ đầu tư bởi đây là loại hình nhà ở tập thể, chung cư cũ. Vì vậy, việc kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm về an toàn PCCC khó thực hiện. Nhằm giảm thiểu các vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy gây ra, CAQ thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao ý thức tự giác phòng chống cháy, nổ tại gia đình, nơi ở của mình”.

Với vai trò quản lý Nhà nước về công tác an toàn PCCC và CNCH, để hạn chế tối đa cháy, nổ và thực hiện hiệu quả việc xử lý sự cố hỏa hoạn, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Ba Đình đã chủ động tham mưu UBND quận nhiều biện pháp, giải pháp mang tính chất chiến lược, có tính thiết thực, hiệu quả. Trong đó, mục tiêu cốt lõi vẫn là phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, nhằm hóa giải bài toán “nước xa không cứu được lửa gần”.

Để làm được nhiệm vụ này phải có lực lượng, con người, phương tiện và phải xác định rõ nhiệm vụ quan trọng trong công tác PCCC tại cơ sở. Chính vì lẽ đó, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Ba Đình đã chủ tham mưu UBND quận thực hiện kế hoạch tuyên truyền PCCC theo chuyên đề chuyên sâu, đồng thời xây dựng đội ngũ chữa cháy cơ sở và xác định việc xây dựng, phát huy phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC và CNCH là mục tiêu cốt lõi.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Ba Đình tổ chức phương án diễn tập PCCC và CNCH tại chung cư, tập thể cũ

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Ba Đình tổ chức phương án diễn tập PCCC và CNCH tại chung cư, tập thể cũ

Nhằm đảm bảo an toàn PCCC cho người dân, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Ba Đình đã tham mưu cho UBND quận triển khai giải pháp mở lối thoát nạn tại “chuồng cọp” trên địa bàn. Chính quyền và Công an các phường trên địa bàn quận đã rà soát, ký cam kết với các hộ dân cắt lồng sắt, tạo lối thoát nạn ở điểm tối ưu nhất. Đồng thời, thực hiện tuyên truyền sâu rộng để người dân nâng cao ý thức tự trang bị phương tiện PCCC cho gia đình mình.

Trong thời gian dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ năng PCCC cho người dân bị hạn chế, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Ba Đình đã có sáng kiến áp dụng công nghệ số vào công tác tuyên truyền an toàn PCCC và CNCH đến khu dân cư, tổ dân phố. CAQ đã tận dụng mạng xã hội Zalo, Facebook để chỉ đạo công an cơ sở thực hiện các biện pháp an toàn PCCC tại khu dân cư. Lực lượng cơ sở cũng thiết lập theo từng nhóm, tổ, khu dân cư để triển khai hiệu quả công tác PCCC tại nơi ở của mình.

“Người chữa cháy hiệu quả là người phát hiện đám cháy sớm nhất và biết cách sử dụng bình chữa cháy dập lửa hiệu quả. Do đó, xây dựng lực lượng chữa cháy tại khu dân cư, ở cơ sở hiệu quả, ứng phó kịp thời hỏa hoạn sẽ hạn chế tối đa số vụ cháy và thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra”- chỉ huy CAQ Ba Đình nhấn mạnh.