Tăng cường công tác bảo vệ tại bệnh viện Xanh Pôn:

Đảm bảo an toàn cho mọi bệnh nhân

ANTĐ - Sáng 6-1, bác sĩ Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc bệnh viện Xanh Pôn cho biết, vết thương chỗ chân bị cắt của bệnh nhân T.T.D hiện đã khô, không có dấu hiệu nhiễm khuẩn. Để thắt chặt ANTT trong bệnh viện sau vụ việc này, ngoài lực lượng bảo vệ, bệnh viện Xanh Pôn đã thuê thêm cả vệ sĩ bảo vệ ở phía trong bệnh viện, đặc biệt tại khu nhà A1.

Công tác bảo vệ ở bệnh viên Xanh Pôn đã sát sao, chặt chẽ hơn

Phần chân bị cắt đã ổn định

Như ANTĐ đã đưa tin, rạng sáng 2-1 vừa qua, khi đang nằm điều trị u não tại khoa Phẫu thuật thần kinh - bệnh viện Xanh Pôn, bệnh nhân T.T.D. (sinh năm 1963, trú tại phố Tạ Quang Bửu, Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị chính em trai của mình vào bệnh viện cắt rời chân, sau đó đã được y bác sĩ của bệnh viện cấp cứu kịp thời. Trao đổi với báo chí sáng 6-1, bác sĩ Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc bệnh viện Xanh Pôn cho biết, đến thời điểm này vết thương chỗ chân bị cắt của bệnh nhân D. đã khô, không có dấu hiệu nhiễm khuẩn. 

“Bệnh nhân bị ung thư, thể trạng không khỏe mạnh như người bình thường. Ngay khi phẫu thuật xử lý xong phần chân bị cắt của bệnh nhân, chúng tôi cũng tiến hành theo dõi, chụp kiểm tra lại thương tổn ở trên người bệnh nhân và nhận thấy các khối u không thể mổ để lấy hết ra được. Về mức độ, nguy hiểm nhất là tổn thương ở não do di căn, lúc nào cũng thường trực đe dọa tính mạng người bệnh” - Phó Giám đốc bệnh viện Xanh Pôn cho biết. Hiện bệnh nhân D. đang được điều trị tích cực, theo dõi, thăm dò chức năng để đảm bảo ổn định. Chị gái bệnh nhân là người hàng ngày chăm sóc bệnh nhân.

Trước đề nghị của báo chí về việc cung cấp thông tin chính xác các tổn thương ở chân của bệnh nhân D., bác sĩ Hưng từ chối trả lời do yêu cầu bảo mật thông tin của người nhà bệnh nhân. Tương tự, với câu hỏi về vai trò của con gái bệnh nhân D. trong sự việc này (là ngăn chặn, giúp đỡ, làm ngơ hay đang ngủ trong lúc người cậu thực hiện hành động cắt chân mẹ mình), ông Hưng cho biết: “lúc đó bác sĩ, điều dưỡng tập trung cứu chữa cho bệnh nhân đã mệt rồi chứ chưa nói đến chuyện này, chuyện khác hay có quan sát người ta như thế nào không”. 

Thuê thêm vệ sĩ bảo vệ

Chia sẻ thêm về kíp trực của bệnh viện và y bác sĩ tại khoa Phẫu thuật thần kinh trong đêm 1, rạng sáng 2-1, đêm xảy ra vụ việc bệnh nhân D. bị người nhà cắt chân, bác sĩ Nguyễn Đình Hưng cho biết, kíp trực hôm đó có 1 bác sĩ chuyên phẫu thuật thần kinh, 2 điều dưỡng, cộng thêm sinh viên đi trực kèm. Thông thường nếu không vào giờ thăm bệnh nhân thì người lạ vào khu điều trị nội trú của bệnh viện rất khó. Thân nhân, người chăm sóc bệnh nhân muốn vào phải được cấp phát thẻ ra vào, quần áo của bệnh viện. Tuy nhiên trường hợp vụ việc của bà D. là do chính người thân của mình gây tổn thương nên rất khó đề phòng. Mặt khác, nhân viên y tế trực bệnh viện không đủ để giám sát 24/24h với mỗi bệnh nhân, trừ trường hợp đặc biệt. 

Theo Phó Giám đốc bệnh viện, sự việc xảy ra vừa qua có thể nói là cực kỳ hãn hữu. Ngay đến nhân viên y tế trong kíp trực của bệnh viện chứng kiến sự việc hôm đó cũng bị ảnh hưởng nhất định về tâm lý, hơi hoảng loạn, phải 1-2 ngày sau mới đi trực trở lại như bình thường. “Chúng tôi ngoài việc làm việc với ê kíp đó về chuyên môn, cấp cứu thì cũng phải trấn an tư tưởng của bác sĩ và ê kíp” – bác sĩ Nguyễn Đình Hưng nói.

Phía bệnh viện Xanh Pôn cho biết thêm, sau vụ việc trên, lực lượng an ninh tại bệnh viện đã được thắt chặt, tăng cường bảo vệ bệnh viện theo 2 vòng: bảo vệ của bệnh viện và lực lượng vệ sĩ bên trong bệnh viện, đặc biệt tại khu nhà A1. Phía bệnh viện Xanh Pôn cũng đang tính tới phương án lắp đặt camera tại một số khu vực đông bệnh nhân để phục vụ công tác quản lý.