Đại tướng Võ Nguyên Giáp và kỷ niệm ở khu di tích Hỏa Lò

ANTĐ - Đó là một ngày mùa thu cách đây 19 năm. Năm ấy, theo kế hoạch được thành phố Hà Nội phê duyệt, nhà tù Hỏa Lò sẽ bị phá một phần để liên doanh với nước ngoài xây dựng Tháp Hà Nội; chỉ giữ lại mặt trước phía phố Hỏa Lò làm chứng tích lịch sử cách mạng - nơi giam cầm nhiều chiến sỹ yêu nước và chiến sỹ cách mạng qua các thời kỳ. 

Ban liên lạc các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đầy tại nhà lao trung tâm Hỏa Lò (giai đoạn 1930-1945) chúng tôi thống nhất mời một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước từng bị giam cầm tại nhà lao này, và mời Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng con gái là Giáo sư Võ Hồng Anh đến thăm nhà lao trước khi “địa ngục trần gian” bị phá bỏ một phần. Sau đó 6 năm, vào năm 2000, khi nhà lao Hỏa Lò đã được chỉnh trang trở thành một di tích lịch sử cấp Quốc gia, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và con gái cùng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương lại tới thăm nhà tù Hỏa Lò lần nữa. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ Nguyễn Thị Quang Thái (Ảnh tư liệu)

Nhà tù Hỏa Lò là nơi chứng kiến giây phút cuối cùng của liệt sỹ Nguyễn Thị Quang Thái, người vợ đầu hết mực yêu thương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và là mẹ của Giáo sư Võ Hồng Anh. 

Hôm đó, Đại tướng đến cùng Giáo sư Võ Hồng Anh. Trong lúc xem lại căn phòng biệt giam, với chiếc bục xi măng nơi liệt sỹ Nguyễn Thị Quang Thái đã từng nằm trong những năm tháng bị giam cầm ở nhà tù, bà Trương Thị Mỹ, người bạn tù thân thiết với bà Quang Thái xúc động kể lại những kỷ niệm trong ngục tù cho Đại tướng nghe, đặc biệt là tinh thần bất khuất trước kẻ thù, sẻ chia giúp đỡ bạn tù của bà Quang Thái - nữ tù nhân cộng sản trẻ tuổi. Như nuốt lấy từng lời kể, Giáo sư Võ Hồng Anh chăm chú nghe, để mặc hai hàng nước mắt tuôn trào…

Tôi quay sang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mắt ông nhòe lệ, nhưng vẫn nhìn đau đáu vào căn phòng biệt giam, như cố tìm hình bóng của người vợ thân thương đã bị giặc Pháp giam cầm, đầy ải và hy sinh anh dũng trong nhà tù. Bàn tay gày guộc, run run vì tuổi tác của Đại tướng lần giở trong túi để lấy ra chiếc khăn tay thấm giọt nước mắt khóc thương người vợ, người đồng chí của mình. Cả đoàn người lặng đi trong xúc động. Rồi Đại tướng đứng thẳng người, bỏ mũ cúi đầu mặc niệm. Chắc chắn, trong tâm trí của Đại tướng, những kỷ niệm về người bạn đời Quang Thái đang ùa về trong ông.

… Cảm mến Nguyễn Thị Quang Thái, em gái nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai, nhưng phải đến khi hai người tình cờ bị giam tại nhà lao Thừa Phủ, tình cảm đôi nam nữ mới gắn kết, mặn mà. Ra tù, đám cưới hai người đồng chí được tổ chức rất vui ở Vinh (Nghệ An). Lúc đó Quang Thái tròn 20 tuổi, Võ Nguyên Giáp 24 tuổi. Sau khi cưới, hai vợ chồng ra Hà Nội. Võ Nguyên Giáp vừa tham gia dạy học vừa lãnh đạo Đoàn thanh niên dân chủ trong trường. Họ có với nhau người con gái Võ Hồng Anh. Năm 1939, Võ Nguyên Giáp rút vào hoạt động bí mật và được Đảng cử sang Trung Quốc hoạt động, để lại người vợ trẻ và đứa con thơ mới 2 tuổi. Phút chia tay bịn rịn trên đường Cổ Ngư, không ngờ lại là lần gặp mặt cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với bà Nguyễn Thị Quang Thái. Năm 1942, bà Quang Thái bị bắt và bị kết án 16 năm tù, giam cầm tại nhà lao Hỏa Lò cho đến ngày hy sinh.

Được biết, khi đất nước đã hòa bình, thống nhất, cứ đến ngày 27-7 hàng năm, Đại tướng cùng người vợ sau là Phó Giáo sư Đặng Bích Hà và con cháu lại lên Nghĩa trang Mai Dịch thắp hương cho Liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm di tích nhà tù Hỏa Lò năm 1994

Hôm đưa tang Đại tướng, đoàn đại biểu Ban Liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà lao Hỏa Lò đã đến thắp hương, cúi đầu kính cẩn trước linh cữu Đại tướng. Bịn rịn tiễn đưa anh Văn, những người cựu tù Hỏa Lò chờ đợi đến giờ linh xa chở anh Văn đi qua phố Tràng Thi, gần với di tích lịch sử cách mạng nhà lao Hỏa Lò, đứng chờ để vĩnh biệt anh lần cuối. Chúng tôi thầm nghĩ, biết đâu, trong đoàn cựu tù chính trị Hỏa Lò có hương hồn chị Quang Thái cũng đến để tiễn đưa Anh.

Viết lại những hồi ức này thay nén tâm hương kính cẩn thắp cho Đại tướng, anh Văn kính mến, người anh Cả của chúng tôi, cũng là nén hương thắp cho người bạn tù trung kiên của chúng tôi - Liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái. Như vậy, sau 74 năm âm dương cách biệt, Đại tướng đã được gặp lại người vợ đầu của mình, cùng con gái là cố Giáo sư Võ Hồng Anh ở cõi niết bàn.