Đại sứ Myanmar tại Liên hợp quốc nghẹn ngào phản đối cuộc đảo chính

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Đại sứ Myanmar tại Liên hợp quốc Kyaw Moe Tun, trong bài phát biểu ủng hộ chính phủ dân sự bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự vào ngày 1-2 vừa qua tại nước này, đã kêu gọi Liên hợp quốc “sử dụng bất kỳ biện pháp nào cần thiết để chống lại quân đội Myanmar” nhằm khôi phục nền dân chủ ở quốc gia Đông Nam Á này.
Đại sứ Myanmar tại Liên hợp quốc Kyaw Moe Tun

Đại sứ Myanmar tại Liên hợp quốc Kyaw Moe Tun

Ông Tun phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 26-2-2021 sau khi Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres về Myanmar, Christine Schraner Burgener, cảnh báo rằng không quốc gia nào nên công nhận hoặc hợp pháp hóa chính quyền hiện nay tại Myanmar.

Đại sứ Kyaw Moe Tun nghẹn ngào nói: “Chúng tôi cần có những hành động mạnh mẽ hơn nữa từ cộng đồng quốc tế để chấm dứt ngay lập tức cuộc đảo chính quân sự, ngăn chặn áp bức người dân vô tội, trả lại quyền lực nhà nước cho nhân dân và khôi phục nền dân chủ”.

Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội nắm chính quyền, đồng thời bắt giữ lãnh đạo chính phủ dân sự, bà Aung San Suu Kyi, và phần lớn quan chức trong đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà sau khi quân đội cáo buộc về việc gian lận trong cuộc bầu cử hồi tháng 11-2020.

“Rất tiếc, cho đến nay, chế độ hiện hành đã yêu cầu tôi phải hoãn bất kỳ chuyến thăm nào. Có vẻ như họ muốn tiếp tục bắt giữ quy mô lớn và đã ép buộc mọi người làm chứng chống lại chính phủ của NLD. Điều này thật tàn nhẫn và vô nhân đạo”, Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Myanmar, Schraner Burgener nói.

Phần lớn nước này đã bị tê liệt do các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tuần và một chiến dịch bất tuân dân sự của các cuộc đình công chống lại quân đội. Mặc dù người đứng đầu quân đội Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing, nói rằng các nhà chức trách đang sử dụng vũ lực tối thiểu trong các cuộc biểu tình, nhưng đến nay đã có 3 người biểu tình và 1 cảnh sát thiệt mạng.

Quân đội Myanmar hứa sẽ tổ chức một cuộc bầu cử, nhưng không cho biết thời điểm nào, đồng thời ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm.