Bản sắc Tây Nguyên ngày càng phai nhạt (1)

Đại ngàn vắng bóng nhà rông

ANTĐ -  Suốt những con đường từ Chư Sê sang Chư Păh - Gia Lai chỉ thấy bạt ngàn cà phê và hồ tiêu. Dọc tuyến đường liên xã, liên huyện, thấp thoáng những bóng nhà cao lừng lững mái tôn đỏ. Hỏi thì hóa ra “nhà rông kiểu mới” phục vụ “đời sống mới”. Giờ muốn tìm được một ngôi nhà rông truyền thống, không dễ.

Dân làng mở hội dưới mái “nhà cộng đồng” thay cho nhà rông

Cơn lốc đô thị hóa

Nơi đầu tiên mà chúng tôi đặt chân đến trên đất Gia Lai là làng Tơ Vơn 1 thuộc xã Ia Khươl huyện Chư Păh. Hôm nay ở đây, lễ mở cửa kho đã được phục dựng. Thường, những lễ mở cửa kho thế này diễn ra vào khoảng đầu tháng 11 hàng năm. Những ché rượu cần được bày ngay ngắn phía bên hông nhà. Cả làng trai gái già trẻ đều mặc thật đẹp. Những chiêng, những trống sẵn sàng, chỉ chờ lệnh của già làng là gióng lên những âm thanh rộn rã. Hết phần nghi lễ tại nhà, khách phương xa được mời sang nhà rông. Cô cán bộ văn hóa thấy ngài ngại trước những câu hỏi của chúng tôi về ngôi nhà rông mới của buôn làng, đành phải gọi chệch đi là “nhà cộng đồng”.

Ngôi nhà rông trước mắt khác xa tưởng tượng, không được tạo nên từ gỗ, từ nứa mà được đúc lù lù một khối bê tông, cốt thép, mái lợp tôn đỏ, đứng “vô duyên” trên khoảnh đồi đất đỏ không có lấy một bóng cây… 

Người Tây Nguyên quan niệm, nhà rông là nơi tụ khí thiêng của trời đất. Vì thế, trong mỗi ngôi nhà đều thờ các vật thiêng. Ngôi nhà cũng là nơi đánh giá sự hùng mạnh, trù phú của buôn làng. Trước sân bao giờ cũng trồng một cây nêu, nơi diễn ra các nghi lễ cúng thần linh. Một điều mà cho đến nay không nhà nghiên cứu nào có thể lý giải được, vì sao những ngôi nhà lớn được dựng lên mà không cần bất cứ một bản vẽ nào. Dụng cụ chỉ là dao, rựa, vật liệu xây dựng từ tranh, tre, gỗ, kết dính với nhau bằng những sợi lạt mềm…Thế mà chúng vẫn vững chãi bao đời giữa nơi chỉ toàn gió, gió lồng lên như những con ngựa bất kham, chỉ chực cuốn phăng mọi thứ trên đường nó đi qua. Nhưng những mái nhà rông đã “đầu hàng” trước cơn lốc đô thị hóa. Giờ thì nhiều buôn làng không còn trồng lúa. Thay vào đó là cà phê, ca cao, cao su, hồ tiêu. Vài lần trúng mùa là sắm sanh nào ti vi, xe máy, tủ lạnh. Tối tối ti vi chiếu phim Hàn, phim Mỹ. Vậy là ở nhà xem ti vi chứ ra nhà rông, nghe già làng kể mãi chuyện Đam San làm gì? 

Các nhà rông hiện đại, hay còn gọi là “nhà rông văn hóa” hay “nhà cộng đồng” giờ khá phổ biến, được nhà nước đầu tư xây dựng. Ngoài nhà rông xã  Zun, còn “mọc” lên ở xã A Yun, huyện Mang Yang, xã Ia Vê, Chư Prông, Gia Lai... Mỗi cái nhà nửa truyền thống, nửa hiện đại tiền đầu tư xây dựng cũng phải vài trăm triệu đồng. Nhưng hiệu quả bao nhiêu thì giờ vẫn chưa có thống kê. Chỉ biết, nhiều nơi, xây xong là đóng cửa để đấy.

Một cán bộ thuộc Sở VH-TT&DL Gia Lai giải thích, giờ diện tích rừng càng ngày càng co hẹp. Giữa rừng nhưng gỗ đắt như dưới xuôi. Để phục dựng được một ngôi nhà rông theo đúng lối truyền thống cũng phải mất tới vài tỷ đồng. Kinh phí địa phương không có, thêm nữa, người dân thích thế. Xây thế cho khỏi bị cháy, khỏi sét đánh vào mùa mưa bão. Lý giải của vị cán bộ văn hóa kia không đúng nhưng cũng không sai. Bao đời nay, nhà rông hoàn toàn bằng tranh tre, nứa lá. Giữa nhà bao giờ cũng có bếp lửa. Đồng bào đến nhà rông để hút thuốc. Những ống thuốc khi rít, lửa hồng lên sáng cả khuôn mặt. Thế nhưng, nhà rông hiếm khi bị cháy. Việc lý giải, vật liệu tranh tre lá nứa giờ ở Tây Nguyên là của hiếm là đúng. Rơ Chăm Tý - một nghệ nhân làm nhạc cụ truyền thống ở phường Thắng Lợi - TP Pleiku kể, vài năm trước, mỗi lần đi lấy nguyên liệu làm đàn T’rưng, anh chỉ vào rừng 1 buổi là xong. Giờ mỗi chuyến đi kéo dài cả tuần hoặc lâu hơn, vì rừng đã bị khai thác cạn kiệt. Đất rừng đã thành những rẫy cà phê, hồ tiêu và cả những rừng cao su ngút ngàn. Còn đâu nguyên liệu mà dựng nhà rông.

Giải bài toán phát triển - bảo tồn

Không chỉ có Gia Lai, ngành văn hóa Đắk Lắk cũng đang đau đầu, giải bài toán cân bằng giữa bảo tồn và phát triển. Và có vẻ như, họ đã tìm được lời giải qua mô hình của ngôi làng nhỏ nằm cách thành phố Buôn Mê Thuột chừng 5km. Làng Ako Dhong gây bất ngờ cho du khách bởi vẻ thanh bình, gọn gàng và hiện đại, nhưng không hề mất đi nét cổ kính. Người đi đầu đề xuất, duy trì, và “ốp” các hộ dân trong buôn thực hiện là trưởng buôn Ama Rin. Làng Ako Dhong hơn chục năm về trước giàu lên nhờ trồng cây cà phê. Nhiều người tính đến chuyện phá những ngôi nhà dài để xây nhà hiện đại. Nhìn thấy những ngôi nhà bao năm đồng bào mình vẫn sống, đời nọ nối tiếp đời kia đang ngày càng mất đi, thay vào đó là những ngôi nhà với cửa kính sáng choang, già làng Ama Rin không khỏi chạnh lòng.

Chính trong lúc tưởng như khó khăn nhất, ông bỗng nảy ra sáng kiến. Tại sao không xây những ngôi nhà hiện đại ở đằng sau để ở, và giữ nguyên nhà dài phía ngoài để bảo tồn. Như thế vừa giữ được nhà của cha ông, lại cũng đảm bảo nâng cao điều kiện sống cho dân làng. Nghĩ thế rồi ông dùng ngôi nhà của mình thử nghiệm. Khi hoàn thành cũng chính là lúc nhiều nhà trong buôn lấy đó làm mẫu học theo. Đi dọc tuyến đường chính trong buôn, vài chục nóc nhà dài, với cầu thang gỗ, cùng những giàn hoa giấy bọc quanh rào, du khách cảm tưởng như đang lạc vào một không gian thần thoại nào đó. Làng Kodhond vô tình trở thành làng du lịch. Mỗi ngày đón vài chục lượt khách, ta có, tây có. Nhưng lạ cái nếu du khách tới đây, vào bất cứ ngôi nhà nào trong làng đều được đón tiếp thân tình. Không phải trả bất cứ loại phí nào cả. Và ở đây tuyệt đối không có hàng quán, không mời chào, không nài ép. Ngôi nhà dài của trưởng buôn Ama Rin nằm giữa làng luôn mở rộng cửa đón khách. Khách mang ché rượu đến, nói với chủ nhà một tiếng, rồi cứ thế khuân rượu lên mà la đà… 

Sau vài năm phát triển nóng, thời điểm hiện tại, ngành văn hóa Đắk Lắk đã bắt đầu nhìn lại những được mất về kiến trúc. Một cuộc vận động lớn đã được hình thành ở buôn Ea Đin huyện Cư Mgar, Buôn Păn Lăm, Kọ Sier… Thành công ở Ako Dhong hoàn toàn do ý thức của cộng đồng. Song, mô hình của Ako Dhong không phải muốn là áp dụng. Bởi điều kiện cần và đủ ở đây là tiền. Mà chuyện tiền thì không phải ở buôn nào, làng nào ở Tây Nguyên các hộ dân cũng sẵn có như người làng Ako Dhong.

(Còn tiếp)