Đại học đứng ở đâu?

(ANTĐ) - Giữa một “thế giới phẳng”, trong trào lưu hội nhập toàn cầu, năm 2008 này mà đặt câu hỏi: “Đại học Việt Nam đứng ở đâu?”, không biết có quá muộn hay không? Lần đầu tiên hơn 500 lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng trong cả nước và những người đứng đầu Bộ GD & ĐT đã thẳng thắn nhìn vào những yếu kém, trì trệ, để tìm lối thoát cho hệ thống giáo dục đại học nước nhà.

Đại học đứng ở đâu?

(ANTĐ) - Giữa một “thế giới phẳng”, trong trào lưu hội nhập toàn cầu, năm 2008 này mà đặt câu hỏi: “Đại học Việt Nam đứng ở đâu?”, không biết có quá muộn hay không? Lần đầu tiên hơn 500 lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng trong cả nước và những người đứng đầu Bộ GD & ĐT đã thẳng thắn nhìn vào những yếu kém, trì trệ, để tìm lối thoát cho hệ thống giáo dục đại học nước nhà.

Vị trí xếp hạng đại học Việt Nam trên biểu đồ khu vực và thế giới thật đáng buồn. Trong tổng số 2.000 trường đại học của thế giới và khoảng 1.000 trường đã được xếp hạng, kết quả năm 2007 cho thấy, trong 500 trường đại học hàng đầu thế giới và 100 trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương , thì Trung Quốc có 8 trường, Đài Bắc - Trung Quốc có 3, riêng Nhật Bản có tới 36 trường.

Còn Việt Nam không có nổi 1 trường. Trong bảng xếp hàng top 100 trường ở khu Đông Nam Á, Việt Nam có 7 trường được xếp hạng, chỉ đứng trên Lào và Campuchia. Tầm vóc của đại học Việt Nam chỉ dám so sánh rất nhỏ với Thái Lan, nước chưa được xếp hạng về thành tích nghiên cứu khoa học. Số bài báo công bố quốc tế của một trường đại học hàng đầu của họ tăng đều theo cấp số nhân, trong khi hai đại học Quốc gia Việt Nam sau 10 năm, số lượng công trình vẫn đứng yên tại chỗ.

Dưới góc nhìn của các tổ chức giáo dục quốc tế, giáo dục đại học Việt Nam có 4 điểm yếu “chí tử”: Khả năng thích ứng với các nhu cầu xã hội rất hạn chế; mối quan hệ giữa trường đại học và thị trường lao động quá mỏng manh, yếu kém; chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy chưa cập nhật, nguồn tài chính thấp. Trì trệ của giáo dục đã kéo dài tới gần nửa thế kỷ, tạo thành một “lối mòn” trơ lì, khô cứng.

Các phương pháp giảng dạy nặng về diễn thuyết, thuyết trình, ghi chép máy móc không hơn gì học sinh phổ thông, rất ít có sự tương tác giữa sinh viên và giảng viên, trang thiết bị lại quá thiếu, tình trạng “học chay” là phổ biến. Đã thế, chương trình đào tạo và môn học quá nhiều, nội dung mỗi môn và chương trình đào tạo đã lỗi thời so với thế giới.

Hãng Intel đang đầu tư ở nước ta không tuyển được người thích hợp cho các vị trí là do sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu. Chỉ có khoảng 20% người được tuyển dụng cho rằng công việc của họ có liên quan đến kiến thức đã học. Có thể nói, đại học nước ta cho “ra lò” một đội ngũ trí thức hết sức lóng ngóng về kỹ năng thực hành, ngơ ngác trong sáng tạo, giao tiếp, thế nhưng trong đầu lại đậm đặc mớ kiến thức nặng nề mang tính lý thuyết.

Tỷ lệ tuyển sinh vẫn ở dưới mức so với các nước trong khu vực - các nhóm thu nhập thấp khó có khả năng vào đại học so với các nhóm có thu nhập cao; Nói ngắn gọn, cánh cửa đại học chưa mở ra nhiều cơ hội cho tất cả sinh viên có thực tài.

Câu trả lời “đại học Việt Nam đứng ở đâu?” đã quá rõ. Hiện nay đang rộ lên làn sóng du học nước ngoài của một bộ phận nhỏ dân cư lắm tiền, nhiều của. Một nhà giáo tâm huyết đã cảnh báo tới tình trạng “di cư tri thức”. Hàng triệu học sinh, sinh viên trông chờ đến năm 2020, nước ta có một đại học lọt vào tốp 200 trường hàng đầu thế giới và một vài trường được xếp hạng trong top 500.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã đề ra 3 nhóm giải pháp ưu tiên. Các trường đại học thường cho rằng, muốn nâng cao chất lượng đào tạo phải có tiền, đầu tư cơ sở vật chất. Song ở các nước lại quan tâm tới việc thay đổi trình độ quản lý, cách thức quản lý. Chất lượng đại học phụ thuộc vào cơ chế quản lý của Bộ GD&ĐT. Hãy “cởi trói” cho các trường quyền tự chủ, tự quyết định cơ chế quản lý, đào tạo.

Đan Thanh

Tin cùng chuyên mục