Đại dương kêu cứu

ANTĐ - Đại dương trên thế giới đang đứng trước các mối đe dọa nghiêm trọng như nguồn hải sản bị khai thác cạn kiệt, tác động của biến đổi khí hậu, sự xuống cấp nghiêm trọng của môi trường biển... đòi hỏi phải khẩn cấp được bảo vệ bằng một hiệp ước toàn cầu.

Tình trạng rác thải gây ô nhiễm môi trường biển đã tới mức báo động

Chỉ một ngày trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh về phát triển bền vững của LHQ tại thành phố Rio de Janeiro của Brazil (Rio+20), ngày 17-6, các tổ chức phi chính phủ (NGOs) toàn cầu đã kêu gọi hội nghị ủng hộ hiệp ước mới bảo vệ đại dương. NGOs cho rằng, một hiệp ước mới bảo vệ vùng biển chung sẽ góp phần làm thay đổi tương lai của các đại dương và hàng triệu sinh vật biển vốn đang trong tình trạng báo động nguy cấp hiện nay. 

NGOs gửi lời kêu gọi khẩn thiết tới Hội nghị Thượng đỉnh Rio+20 trong bối cảnh mà các đại dương trên thế giới đang đứng trước những thách thức nghiêm trọng. Theo Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, đó là nguồn hải sản bị khai thác cạn kiệt, ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, môi trường biển xuống cấp nhanh chóng...

Các chuyên gia môi trường cảnh báo, các đại dương - nơi cung cấp cho nhân loại các hệ sinh thái vô giá và hơn 50% lượng oxygen cho sự sống trên Trái đất - đang bị tàn phá và khai thác cạn kiệt. Hơn 50% nguồn hải sản của các đại dương đã bị khai thác quá mức, trong khi 30-35% cỏ biển, các rặng san hô, rừng đước… cũng bị tàn phá. 

Các chất thải từ đất liền tiếp tục giết hại các sinh vật biển cũng như tạo ra các vùng biển chết trên các đại dương. Việc tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang tác động nguy hại đến thời tiết trên các đại dương, đẩy nhanh tốc độ axít hóa, làm nước bề mặt đại dương nóng lên, làm tan băng ở các cực khiến nước biển dâng cao. Hậu quả này thực sự đe dọa toàn nhân loại.

Các đại dương hiện là nạn nhân của một thất bại thị trường lớn, khi giá trị thực tế của hệ thống sinh thái và các nguồn lợi đại dương đang bị các nhà hoạch định chính sách phớt lờ, không có trong các chiến lược kinh tế và phát triển. Theo tính toán, tình trạng ô nhiễm đại dương do con người gây ra - từ việc thải khí carbon tới việc sử dụng phân bón - và khai thác hải sản quá mức có thể khiến kinh tế toàn cầu mỗi năm thiệt hại tới 2.000 tỷ USD vào năm 2100. 

Trong khi đó, theo Tổng thư ký LHQ, hiện mới chỉ có chưa đầy 1% môi trường các đại dương được bảo vệ so với 15% môi trường trên đất liền. Vì vậy, LHQ cùng các nhà môi trường quốc tế đã phấn đấu có thể bảo tồn được 10% các khu vực biển và ven biển vào năm 2020 - mục tiêu đã được Hội nghị các bên Công ước LHQ về đa dạng sinh học tại thành phố Aichi của Nhật Bản nhất trí đạt được. 

Mục tiêu trên có đạt được hay không phụ thuộc vào việc thế giới, trước hết là những nền kinh tế lớn nhất thế giới như G-20, có đạt được hay không một hiệp ước toàn cầu bảo vệ đại dương. Cũng theo tính toán, nếu thế giới có các biện pháp tích cực nhằm giảm ô nhiễm tại các đại dương, thiệt hại kinh tế vào năm 2100 có thể giảm xuống còn 600 tỷ USD, tiết kiệm cho kinh tế toàn cầu 1.400 tỷ USD so với kịch bản trên cơ sở thực trạng hiện nay.