Đại dự án cao tốc Bắc- Nam nguy cơ chậm tiến độ vì… muôn vàn lý do

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lãnh đạo Bộ GTVT nêu, các khó khăn vướng mắc của dự án cao tốc Bắc- Nam bao gồm công tác khảo sát, điều tra, thỏa thuận với địa phương về mỏ vật liệu của đơn vị Tư vấn, Ban QLDA còn chưa sát với thực tế; thủ tục cấp phép khai thác kéo dài, một số địa phương triển khai còn chậm.

Dự án thành phần nào cũng chậm

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, tổng giá trị khối lượng xây lắp các dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam hoàn thành đến hết ngày 5/8 đạt 47,1% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 2%.

Trong đó, 4 dự án với chiều dài 361km gồm Mai Sơn-quốc lộ 45, Cam Lộ-La Sơn, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây cơ bản hoàn thành năm 2022 sản lượng trung bình đạt 65,5% giá trị hợp đồng (chậm 3,7%).

Bốn dự án quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Nha Trang-Cam Lâm và cầu Mỹ Thuận 2 có tổng chiều dài 146km hoàn thành năm 2023 sản lượng trung bình đạt 47,1% giá trị hợp đồng, đáp ứng kế hoạch.

Hai dự án Diễn Châu-Bãi Vọt và Cam Lâm-Vĩnh Hảo dài 128km hoàn thành năm 2024 sản lượng trung bình đạt 15,4% giá trị hợp đồng, chậm 3,6%.

Thi công cầu Núi Đọ trên cao tốc Mai Sơn-QL45

Thi công cầu Núi Đọ trên cao tốc Mai Sơn-QL45

Theo ông Lâm, các khó khăn vướng mắc của dự án này bao gồm công tác khảo sát, điều tra, thỏa thuận với địa phương về mỏ vật liệu của Tư vấn, Ban QLDA còn chưa sát với thực tế; thủ tục cấp phép khai thác kéo dài, một số địa phương triển khai còn chậm; nhà thầu thi công cũng chưa quan tâm đúng mức để chủ động nguồn vật liệu trong quá trình đấu thầu và thực hiện hợp đồng…

“Dù Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết tháo gỡ về nguồn vật liệu, đến nay đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của dự án, hiện chỉ còn khoảng 0,8 triệu m3 (đoạn Nha Trang-Cam Lâm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa) chưa hoàn thành hồ sơ cấp giấy phép khai thác,” ông Lâm nhìn nhận.

Mặt khác, biến động giá vật liệu đã gây khó khăn cho chủ đầu tư, nhà thầu trong việc quản lý giá thành, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, trong việc triển khai thi công; đặc biệt đối với các gói thầu các dự án cao tốc dẫn đến nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng, chờ giá xuống, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng thẳng thắn nhìn nhận năng lực của một số chủ đầu tư/Ban QLDA còn hạn chế, năng lực của đội ngũ cán bộ còn hạn chế, chưa đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu của dự án.

Một số nhà thầu năng lực tổ chức thi công, huy động tài chính còn yếu kém dẫn đến chậm tiến độ đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao.

Với 4 dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam phải hoàn thành trong năm 2022, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA và các nhà thầu nỗ lực triển khai thi công, tập trung khắc phục các khó khăn để hoàn thành dự án; xử lý nghiêm các nhà thầu chậm tiến độ, bảo đảm theo đúng cam kết.

Riêng 6 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1 hoàn thành năm 2023 và 2024, Bộ GTVT liên tục yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu bổ sung tăng cường nhân lực, thiết bị để thi công, tiếp tục theo dõi tiến độ thực hiện và có các giải pháp quyết liệt nhằm bảo đảm tiến độ hoàn thành.

Xem xét chấm dứt hợp đồng với nhà thầu yếu

Rút kinh nghiệm trong loạt dự án thành phần cao tốc Bắc- Nam trong thời gian tới, Bộ GTVT cho biết, sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để giải quyết triệt để khó khăn về vật liệu và công tác giải phóng mặt bằng; tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng để giải quyết các khó khăn về biến động giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng.

Về biến động giá vật liệu, Bộ GTVT đã chỉ đạo các Ban QLDA làm việc trực tiếp với các nhà thầu để thu thập và cung cấp đầy đủ thông tin về biến động giá các loại vật liệu xây dựng của từng dự án thành phần, từng gói thầu,... làm cơ sở phân tích đánh giá thực trạng khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp xử lý đối với từng dự án.

Đặc biệt, Bộ GTVT phê bình, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu của các Ban QLDA có dự án chậm tiến độ; trường hợp dự án không có chuyển biến sẽ không giao dự án mới và xem xét thay thế người đứng đầu.

“Đối với các nhà thầu vi phạm nghiêm trọng, không có khả năng hoàn thành hợp đồng đúng tiến độ sẽ xem xét chấm dứt hợp đồng, bị loại trong đấu thầu từ 3-5 năm với dự án do Bộ GTVT quản lý,” Thứ trưởng Lâm yêu cầu.