Đại dự án cao tốc Bắc - Nam: Không cho phép xảy ra tình trạng nhà đầu tư "tay không bắt giặc"

ANTD.VN - Bộ GTVT khẳng định, dự án cao tốc Bắc- Nam nhánh Đông là dự án quan trọng, đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 52 có 11 dự án thành phần (3 dự án đầu tư bằng vốn công và 8 dự án PPP), do vậy, sẽ không có chuyện "băm nhỏ" dự án.

Không "băm cho vừa miếng"

Dự án cao tốc Bắc - Nam nhánh Đông dài 654km, được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - Lam Sơn, cầu Mỹ Thuận 2), còn lại 8 dự án thực hiện theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT. Dự án có tổng mức đầu tư 102.513 tỷ đồng, gồm 51.702 tỷ đồng vốn BOT và 50.812 tỷ đồng vốn Nhà nước.

Trong tám dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP, dự án nhỏ nhất là dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đi qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa, dài 29 km, tổng mức đầu tư là 4.059 tỷ đồng, trong đó, vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là 3.219 tỷ đồng, vốn đầu tư BOT là 774,5 tỷ đồng.

Còn dự án lớn nhất là cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 104km, đi qua tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận, tổng mức đầu tư là 18.464 tỷ đồng, trong đó vốn huy động từ tư nhân khoảng hơn 8.000 tỷ đồng, phần còn lại Nhà nước hỗ trợ.

Rút kinh nghiệm từ các dự án BOT, Bộ GTVT sẽ không để xảy ra tình trạng nhà  thầu "tay không bắt giặc" tại dự án cao tốc Bắc- Nam nhánh đông

Với số vốn đầu tư dự án khá lớn, trong đó một vài dự án trong quá trình sơ tuyển đợt 1 đã không có nhà đầu tư nội tham gia. Bởi vậy, việc Bộ GTVT tổ chức đầu thầu lại, thay đổi từ đấu thầu quốc tế thành đấu thầu trong nước không khỏi khiến nhiều người lo ngại.

Bởi, thực lực nhà đầu tư nội để đáp ứng đủ tiêu chuẩn và điều kiện mà Bộ GTVT không nhiều, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng dường như đã “đóng” với dự án hạ tầng giao thông.

Liệu có nên “băm” nhỏ 8 dự án thành phần để “vừa miếng” các nhà đầu tư, hay có tình trạng chỉ định thầu đối với dự án không có nhà đầu tư tham gia? Và, cũng nhiều nhà đầu tư băn khoăn, muốn Nhà nước bảo lãnh doanh thu của dự án.

Trả lời về tất cả các băn khoăn về đại dự án cao tốc Bắc- Nam nhánh Đông này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, rút kinh nghiệm từ các dự án BOT trước đây, không ít nhà đầu tư “tay không bắt giặc”, khiến một số dự án đã bị chậm tiến độ, phải “thay ngựa giữa đường”, tại dự án cao tốc Bắc- Nam nhánh Đông, Bộ GTVT giữ nguyên tiêu chí về năng lực tài chính. Tức là, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư phải có 20%, còn một số tiêu chí khác như kinh nghiệm thì Bộ đang xem xét để điều chỉnh.

Ngoài ra, các nhà đầu tư BOT có thể liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính và cũng xem xét bỏ tiêu chí có kinh nghiệm cụ thể về lĩnh vực giao thông, mà chỉ cần có dự án hạ tầng lớn…

Còn về việc có tính đến “băm nhỏ” dự án cho “vừa miếng” các nhà đầu tư nội, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, dự án cao tốc Bắc- Nam nhánh Đông là dự án quan trọng, đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 52 có 11 dự án thành phần (3 dự án đầu tư bằng vốn công và 8 dự án PPP), do vậy, sẽ không có chuyện băm nhỏ thêm.

“Các dự án đã chốt, nếu thay đổi sẽ kéo dài thời gian, về mặt kỹ thuật và kinh tế đều khó khả thi. Việc chia thành 8 dự án thành phần đã có tính toán, chọn lọc kỹ, và từng chặng cũng đã được tính toán đến việc thu phí hoàn vốn” - ông Đông cho hay.

Doanh nghiệp đầu tư phải xác định lời ăn lỗ chịu

Cũng theo Bộ GTVT, thậm chí, trong trường hợp có dự án thành phần không tuyển được nhà đầu tư thực hiện thì cũng sẽ không có chuyện chỉ định thầu như lo ngại. “Kịch bản không có nhà đầu tư tham gia dự án cũng đã được Quốc hội tính đến, xem xét. Trường hợp giả định không có nhà đầu tư tham gia thì sẽ báo cáo Thường vụ Quốc hội, có thể chuyển sang đầu tư công”- ông Đông thông tin.

Còn về lo ngại của các nhà đầu tư, phương án tài chính khó đảm bảo, kiến nghị Nhà nước bảo lãnh doanh thu, vì trong quy hoạch có các tuyến đường song song với cao tốc Bắc- Nam nhánh Đông như hành lang ven biển, QL1, đường Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Nhà nước sẽ không bảo lãnh doanh thu tại các dự án cao tốc Bắc- Nam, thậm chí khoản ngay của các nhà đầu tư để tham gia dự án Nhà nước cũng không bảo lãnh.

“Tôi khẳng định vốn điều lệ của nhà đầu tư không thay đổi, phải đảm bảo 20% giá trị dự án, nhà đầu tư thì phải xác định, đầu tư là lời ăn lỗ chịu”- ông Đông nhấn mạnh.

Tuy vậy, lãnh đạo Bộ GTVT cũng chia sẻ, giai đoạn hiện nay việc huy động vốn tham gia vào dự án là khá khó khăn. Bởi, 8 dự án thành phần thì hầu hết là vốn vay khá lớn.

“Bộ GTVT đã làm việc với ngân hàng Nhà nước Việt Nam về con số vốn huy động để các ngân hàng thương mại nắm và nghiên cứu, kiến nghị một số giải pháp để tạo ra nguồn vốn tín dụng có thể cung cấp. Nhưng, việc cung cấp bao nhiêu phụ thuộc vào điều kiện luật pháp của ngân hàng nhưng vẫn phải xem xét tính khả thi của dự án”- ông Đông thông tin.