Đại diện ngoại giao của Afghanistan ở nước ngoài rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Việc Taliban đột ngột trở lại nắm quyền đã khiến hàng trăm nhà ngoại giao Afghanistan ở nước ngoài rơi vào tình trạng lấp lửng: hết tiền để tiếp tục hoạt động sứ mệnh ngoại giao, lo lắng cho người thân ở quê nhà và tuyệt vọng tìm nơi ẩn náu ở nước ngoài.
Cờ của chính quyền cũ vẫn treo bên ngoài Đại sứ quán Afghanistan ở Washington, Mỹ

Cờ của chính quyền cũ vẫn treo bên ngoài Đại sứ quán Afghanistan ở Washington, Mỹ

Đúng một tháng sau khi nhanh chóng tiếp quản chính quyền được phương Tây hậu thuẫn của Afghanistan vào ngày 15-8, Taliban cho biết, họ đã gửi tin nhắn tới tất cả các đại sứ quán yêu cầu các nhà ngoại giao tiếp tục công việc của họ. Nhưng 8 nhân viên đại sứ quán ở Canada, Đức và Nhật Bản chia sẻ, họ thực sự bối rối và tuyệt vọng với tình thế hiện tại. “Các đồng nghiệp của tôi ở đây và ở nhiều quốc gia đang cầu xin các quốc gia sở tại chấp nhận cho ở lại”, một nhà ngoại giao Afghanistan ở Berlin cho biết. “Tôi đang cầu xin theo đúng nghĩa đen. Các nhà ngoại giao sẵn sàng trở thành người tị nạn”, ông nói thêm rằng, ông sẽ phải bán mọi thứ, bao gồm cả một ngôi nhà lớn ở Kabul và “bắt đầu lại từ đầu ”.

Afzal Ashraf, một chuyên gia quan hệ quốc tế, nghiên cứu sinh trao đổi tại Đại học Nottingham của Anh cho biết, các nhà ngoại giao của Afghanistan ở nước ngoài phải đối mặt với một giai đoạn “căng thẳng kéo dài” khi các quốc gia quyết định có công nhận Taliban hay không. “Những đại sứ quán đó có thể làm gì? Họ không đại diện cho chính phủ. Họ không có chính sách để thực hiện và đều muốn được tị nạn chính trị do lo ngại về sự an toàn nếu họ quay trở lại Afghanistan”.

Taliban sau khi thực thi nghiêm ngặt luật Hồi giáo hà khắc giai đoạn từ năm 1996 - 2001 đã tìm cách thể hiện một bộ mặt hòa giải hơn kể từ khi trở lại nắm quyền. Người phát ngôn của lực lượng này đã trấn an người Afghanistan rằng, họ không trả thù và sẽ tôn trọng quyền của mọi người, bao gồm cả phụ nữ. Nhưng thông tin về việc đội quân này khám xét từng nhà, nhất là các cựu quan chức đã khiến người dân cảnh giác.

Một nhà ngoại giao cấp cao của Afghanistan ước tính, khoảng 3.000 người làm việc hoặc phụ thuộc trực tiếp vào các đại sứ quán của nước này trên thế giới. Trước đó hôm 8-9, chính quyền bị lật đổ của cựu Tổng thống Ashraf Ghani cũng đã viết một lá thư cho các cơ quan đại diện nước ngoài, gọi chính phủ mới của Taliban là “bất hợp pháp” và kêu gọi các đại sứ quán “tiếp tục các chức năng và nhiệm vụ bình thường của họ”. “Nhưng không có tiền thì không thể hoạt động bình thường được. Hiện tôi không được trả lương”, một nguồn tin tại Đại sứ quán Afghanistan ở Thủ đô Ottawa của Canada cho biết.

Hai nhân viên Đại sứ quán Afghanistan ở New Delhi, Ấn Độ cho biết, họ cũng sắp hết tiền cho nhiệm vụ phục vụ hàng nghìn người Afghanistan đang cố gắng tìm cách trở về nhà để đoàn tụ với gia đình hoặc cần giúp đỡ xin tị nạn ở các nước khác. Bản thân họ cũng phải đấu tranh để được tị nạn. Một người cho biết: “Bây giờ tôi phải ở trong khuôn viên đại sứ quán và chờ xuất cảnh đến bất kỳ quốc gia nào sẵn sàng chấp nhận tôi và gia đình”. Ở Tajikistan, một số nhân viên đại sứ quán đã tìm cách đưa gia đình của họ qua biên giới trong những tuần gần đây và đang xem xét chuyển đại sứ quán thành nơi ở riêng. “Rõ ràng là không một nhà ngoại giao Afghanistan nào ở nước ngoài muốn quay trở lại. Tất cả chúng tôi đều quyết tâm ở lại vị trí của mình và có thể nhiều quốc gia sẽ chấp nhận chúng tôi là một phần của chính phủ lưu vong”, một nhà ngoại giao cấp cao của Afghanistan tại Nhật Bản cho biết.

Một số nhà ngoại giao Afghanistan đang theo dõi chặt chẽ cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo thế giới tại Liên hợp quốc ở New York vào tuần tới. Hiện vẫn chưa chắc chắn ai sẽ là người ngồi vào ghế đại diện cho Afghanistan. Việc công nhận của Liên hợp quốc có sức nặng đáng kể. Vì thế, bất kỳ động thái nào được coi là hợp pháp hóa Taliban có thể cho phép nhóm này thay thế các nhân viên đại sứ quán ở nước ngoài.