Đại điện của dòng họ vẫn là khoảng trống

ANTĐ - Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, dòng họ của Việt Nam vốn đã tồn tại từ hàng nghìn năm qua. Vậy nhưng Dự thảo sửa đổi BLDS hiện nay vẫn không đề cập trực tiếp đến chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là dòng họ.

Tương tự, các quy định về đại diện cũng không ghi nhận vấn đề này. Trong khi đó, các tranh chấp liên quan đến tài sản của dòng họ luôn là những tranh chấp phức tạp nhất. Thậm chí, không ít vụ án liên quan đến tài sản của dòng họ phải xét xử nhiều lần do bỏ sót người tham gia tố tụng và không có quy định nhất quán về tư cách chủ thể của dòng họ. Từ thực tiễn này đã đặt ra các vấn đề cần nghiên cứu, trao đổi để các quan hệ pháp luật dân sự nằm trong sự vận động của nền kinh tế thị trường hiện nay phải  được pháp luật đảm bảo. 

Nhìn lại lịch sử, ngay từ thời phong kiến với quy định của Luật Hồng Đức (tại Điều 388) đã xác định: “Cha mẹ mất cả, có ruộng đất, chưa kịp để lại chúc thư, mà anh em tự chia nhau, thì lấy 1/20 số ruộng đất làm phần hương hỏa”. Bộ luật Dân sự 2005 cũng xác định, di sản thờ cúng, tài sản sở hữu của dòng họ được kế thừa và ghi nhận trong luật như là một sự bảo hộ của Nhà nước đối với việc duy trì truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Và đến Dự thảo BLDS sửa đổi hiện nay, tại Điều 238 về “Sở hữu chung của cộng đồng” tiếp tục ghi nhận sở hữu của dòng họ. Cụ thể là “Sở hữu chung của cộng đồng là sở hữu của dòng họ, thôn, ấp, làng, bản, buôn, sóc, cộng đồng tôn giáo và các cộng đồng dân cư khác đối với tài sản được hình thành theo tập quán, tài sản do các thành viên của cộng đồng cùng nhau đóng góp, quyên góp, được tặng cho chung hoặc từ các nguồn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm mục đích thoả mãn lợi ích chung hợp pháp của cả cộng đồng”.

Tuy nhiên, thực tế xét xử lại cho thấy, các tranh chấp liên quan đến tài sản thuộc sở hữu của dòng họ như nhà thờ họ, đồ thờ cúng… đã nảy sinh và trở nên khá phổ biến. Việc giải quyết các tranh chấp đó là một loại án khó điển hình không chỉ vì số lượng đương sự nhiều, giấy tờ chứng minh sở hữu không rõ ràng, phải áp dụng đến tập quán… mà khó khăn lớn nhất chính là sự thiếu vắng các quy định của pháp luật về đại diện của dòng họ.

Về bản chất, dòng họ được xác định là tổ chức không có tư cách pháp nhân. Trong khi đó, Điều 119 Dự thảo nêu: “Hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thông qua cá nhân là người đại diện hoặc là thành viên của mình theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; Các thành viên có thể thỏa thuận cử người đại diện thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự vì lợi ích chung”.

Như vậy, Điều 119-Dự thảo BLDS sửa đổi ghi nhận tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thông qua cá nhân là người đại diện, song lại dẫn chiếu đến “theo quy định của Bộ luật này”. Tuy nhiên, quy định về đại diện trong BLDS 2005 và cả Dự thảo BLDS sửa đổi hiện nay đều không hề đề cập đến người đại diện theo pháp luật của dòng họ một cách cụ thể. Vì thế sẽ tạo ra những rào cản pháp lý rất lớn, khiến các vụ án tranh chấp liên quan đến tài sản của dòng họ rất khó giải quyết triệt để.