Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát:

“Đại dịch là lúc doanh nghiệp cần có một nguồn năng lượng mới”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại dịch Covid-19 đã khiến hàng loạt doanh nghiệp, người lao động lo lắng, sợ hãi và kiệt sức, nhưng đây là lúc bản lĩnh của doanh nghiệp cần được thể hiện. Tiến sĩ Trần Quí Thanh- Tổng Giám đốc đồng thời là người sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho rằng, đây chính là lúc doanh nghiệp cần có một nguồn năng lượng mới.

Truyền năng lượng tích cực đến người lao động

Năm 2021 được xem là năm thể hiện bản lĩnh, sức mạnh nội lực của thành viên các hội đồng quản trị, ban điều hành trong việc chèo lái con thuyền doanh nghiệp vượt qua năm thứ hai, và đặc biệt là làn sóng thứ tư của đại dịch Covid–19. Nói về câu chuyện thời sự này, ông Trần Quí Thanh thẳng thắn cho biết trên trang cá nhân: “Đại dịch Covid-19 làm cho doanh nghiệp lao đao, người lao động trong doanh nghiệp lo lắng, sợ hãi và kiệt sức. Tuy nhiên, đây chính là lúc cần có một nguồn năng lượng mới, mạnh mẽ, thậm chí là dữ dội để xốc dậy tinh thần của tập thể”.

Tân Hiệp Phát liên tục đổi mới về quản trị, cải tiến về sản phẩm để phù hợp hơn với người tiêu dùng. Trong ảnh: Sản xuất dòng sản phẩm sữa đậu nành Number 1 Soya Canxi

Tân Hiệp Phát liên tục đổi mới về quản trị, cải tiến về sản phẩm để phù hợp hơn với người tiêu dùng. Trong ảnh: Sản xuất dòng sản phẩm sữa đậu nành Number 1 Soya Canxi

Chia sẻ về quan điểm này, ông Trần Quí Thanh cho hay, trước hết, lãnh đạo doanh nghiệp phải kích hoạt năng lượng cho bản thân, rồi lan tỏa, truyền năng lượng và nguồn cảm hứng đến cho cộng sự, nhân viên. Là lãnh đạo, chính anh phải tự cháy hết mình, thì mới truyền lửa, truyền nhiệt cho người khác. Vậy ở Tân Hiệp Phát, năng lượng đó được lan tỏa đến hàng nghìn cán bộ quản lý và nhân viên như thế nào?

Đó là việc đảm bảo đời sống cho người lao động khi thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” kéo dài 125 ngày với những bữa cơm gia đình đầy đủ dinh dưỡng; đó là những buổi sinh hoạt văn nghệ online hay những bản tin thời sự của Trung tâm Truyền thông THP để người lao động nắm được thông tin tình hình dịch bệnh trên cả nước và hiện trạng của chính doanh nghiệp mình. Đó cũng là thời gian lãnh đạo cao cấp của Tập đoàn cũng nghiêm túc thực hiện “3 tại chỗ” như mọi nhân viên mà không có ngoại lệ…

Ông Trần Quí Thanh nói: “Năng lượng tích cực mà lãnh đạo doanh nghiệp tạo ra chính là làm cho mọi người vui tươi, lạc quan, đoàn kết. Tiếp theo là phát hiện ra những nhân tố trong doanh nghiệp và trao quyền cho họ. Là nhà lãnh đạo, phải thấy được nguồn năng lượng trong đội ngũ người lao động, sau đó đào tạo, đặt niềm tin giao quyền cho họ. Chính sự tin cậy này sẽ là động lực để họ phát huy tối đa trí tuệ, sức lực, cống hiến cho doanh nghiệp”.

Theo Dr. Thanh, ngay cả khi người được giao quyền gặp thất bại thì thưởng phạt rõ ràng là quan trọng, bên cạnh đó cần động viên tinh thần, cùng phân tích rút kinh nghiệm để tìm ra bài học thay vì dừng lại ở thất bại và kết thúc. Quan trọng là việc tìm ra được đã làm đúng đến đâu và điểm hỏng là điểm nào. Nếu biết rõ được mình đi được tới 90% hay 10%, và quyết định nào đã sai, thì mới ra bài học kinh nghiệm được.

Tại Tân Hiệp Phát, trong suốt 1 năm “sóng gió” vì dịch Covid-19, Tập đoàn vẫn tổ chức các hoạt động kỳ thi đánh giá bình xét, sắp xếp, bổ nhiệm đội ngũ nhân sự, góp phần đảm bảo các mục tiêu sản xuất kinh doanh. Đúc rút kinh nghiệm thực tế từ Tập đoàn, ông Trần Quí Thanh còn cho biết thêm: “Nguồn năng lượng không chỉ để làm việc đạt năng suất, mà nguồn năng lượng đó giúp cân bằng cuộc sống, tái tạo sức lao động. Cho nên, lãnh đạo doanh nghiệp phải quan tâm chăm sóc đời sống tinh thần, vật chất của nhân viên, người lao động. Cha ông nói “có thực mới vực được đạo” không sai bao giờ, vì vậy dù trong tình trạng khó khăn, ít nhất cũng đảm bảo thu nhập cho người lao động đủ sống”.

Nhìn rộng và nhìn xa hơn sau vòng xoáy dịch bệnh

Dịch Covid-19 rõ ràng đã gây ra sự xáo trộn chưa từng có với cộng đồng doanh nghiệp, mà một phần không nhỏ trong số này phải rời bỏ thị trường. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp đóng cửa trong quý III-2021 đã đạt mức cao kỷ lục. Kéo theo đó, số doanh nghiệp thành lập mới trong thời gian này, đặc biệt là tháng 9-2021 cũng thấp chưa từng thấy. Còn theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2021, 94% doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, cao hơn con số 87% của 1 năm trước.

Cùng với đó, khoảng 4,7 triệu người lao động bị mất việc làm; 14,7 triệu người phải tạm thời thôi việc. Nhu cầu thị trường trong nước suy giảm mạnh. Các chuyên gia kinh tế nhận xét, dịch bệnh Covid-19 đã khiến các doanh nghiệp khó mà hoạt động một cách bình thường. Trong bối cảnh này, chỉ những doanh nghiệp có nền tảng văn hóa và quản trị tiến bộ, khoa học mới trụ vững. Bị ảnh hưởng bởi đại dịch, song thời gian qua, Tân Hiệp Phát vẫn tiếp tục duy trì sản xuất, đổi mới về quản trị, cải tiến về sản phẩm để phù hợp hơn với người tiêu dùng. Lãnh đạo Tập đoàn cho hay, không phải vì dịch bệnh mà đội ngũ marketing của công ty dừng lại, ngược lại họ vẫn phải liên tục nghiên cứu, đưa ra ý tưởng mới.

Nhìn lại khoảng thời gian qua, ông Trần Quí Thanh cho biết: “Đại dịch Covid-19 chưa qua, nhưng chúng ta có thể kiểm soát được trong thời điểm hiện nay, không loại trừ được virus SARS-CoV-2 thì cũng sống chung được với nó”. Theo người sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát, hai năm vật lộn trong vòng xoáy dịch bệnh, cộng đồng doanh nghiệp trưởng thành hơn rất nhiều, bởi vì có quá nhiều bài học được trả bằng xương máu. Có không ít doanh nghiệp bị “sát thương” quá nặng, chưa biết có hồi phục được không?

“Nhưng dù sao thì chúng ta cũng phải sống, và tiếp tục bước tới. Phía trước có hoa hồng và cả chông gai, đại dịch Covid-19 qua đi thì sẽ còn nhiều thảm họa tự nhiên khác chờ đón, có thể dữ dằn hơn mà Covid-19 chỉ là một “bản nháp”. Nói như vậy không phải bi quan, mà là tỉnh táo nhìn từ những cảnh báo của các nhà khoa học”- ông Trần Quí Thanh nhấn mạnh.

Những thảm họa từ thiên nhiên có thể kể đến là: Nước biển dâng, biến đổi khí hậu đang đe dọa toàn cầu, và Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề. Tổ chức Climate Central (Mỹ) mới đây đưa ra dự báo về 6 thành phố thuộc diện nguy cơ bị nước biển dâng nhấn ngập trước năm 2030, trong đó có TP.HCM, chưa kể Đồng bằng sông Cửu Long đang “chìm nhanh” vì sụt lún, có nơi lún gần 20 lần nước biển dâng.

Ông Trần Quí Thanh nêu lên đề nghị: “Làm ra của cải vật chất, nhưng phải trả giá về môi trường, con người bị thiên nhiên trừng phạt, thì liệu có giữ được của cải không? Cộng đồng doanh nghiệp cần có chiến lược phát triển phù hợp, chú trọng kinh tế xanh, không khai thác cạn kiệt tài nguyên môi trường, trồng cây gây rừng, băng bó lại vết thương mà con người gây ra với thiên nhiên, vá lại lỗ thủng tầng ozon. Mặc dù đã quá muộn, nhưng làm còn hơn không”.

“Ngay cả khi người được giao quyền gặp thất bại thì thưởng - phạt rõ ràng là quan trọng, bên cạnh đó cần động viên tinh thần, cùng phân tích rút kinh nghiệm để tìm ra bài học thay vì dừng lại ở thất bại và kết thúc. Quan trọng là việc tìm ra được đã làm đúng đến đâu và điểm hỏng là điểm nào. Nếu biết rõ được mình đi được tới 90% hay 10%, và quyết định nào đã sai, thì mới ra bài học kinh nghiệm được”.

Ông TRẦN QUÍ THANH Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Tin cùng chuyên mục