“Đại dịch” hàng nhái

ANTĐ - Tổ chức cảnh sát quốc tế (Interpol) thông báo vừa thu giữ hơn 1.200 tấn thực phẩm giả hoặc kém chất lượng và gần 430.000 lít đồ uống giả ở các nước châu Mỹ, châu Á và châu Âu.
“Đại dịch” hàng nhái ảnh 1
Một lô hàng nhái bị bắt giữ ở châu Âu

Trên đây là kết quả chiến dịch mang tên Opson phối hợp giữa Interpol với Văn phòng cảnh sát châu Âu (Europol), được tiến hành ở 33 nước và khu vực trên thế giới trong thời gian từ tháng 12-2013 đến tháng 1-2014 nhằm vào các hoạt động mua bán hàng giả, thực phẩm và đồ uống trái quy định, cũng như các mạng lưới tội phạm có tổ chức đứng đằng sau hoạt động mua bán bất hợp pháp này. 

Số hàng hóa vừa bị thu giữ gồm hơn 131.000 lít dầu ô liu, giấm, hơn 80.000 hộp bánh bích quy và kẹo sô cô la, 20 tấn gia vị, 186 tấn ngũ cốc, 45 tấn sản phẩm làm từ sữa và 42 lít mật ong. Interpol đã bắt giam 96 đối tượng tình nghi, tiếp tục các vụ điều tra liên quan. Tuy nhiên, đây chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” có tên gọi “đại dịch hàng nhái” đang lan rộng khắp toàn cầu.

Có thể nói giờ đây, đi bất cứ nơi đâu chúng ta cũng có thể thấy bóng dáng của những mẫu hàng hiệu bị làm nhái. Hàng hiệu tuy có mẫu mã đẹp và chất lượng cao, song giá cả thì không phải ai cũng chấp nhận được. Đánh vào tâm lý của nhiều khách hàng, hàng loạt cơ sở sản xuất đã sao chép các mẫu thiết kế của những hãng thời trang được ưa thích, sản xuất đại trà với giá bằng 1/10 giá hàng thật. 

Theo báo cáo từ tổ chức Hải quan thế giới, nếu tổng giao dịch hàng làm giả năm 2006 trên thế giới là 500 tỉ USD, thì năm 2010 đã vọt lên tới 2.000 tỉ USD. Tính ra trung bình cứ 10 sản phẩm lại có 1 sản phẩm bị làm giả. Lợi nhuận thu về từ hàng giả rất lớn. Theo một con số thống kê, các đường dây tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức tại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương kiếm được khoảng 90 tỷ USD/năm. Số tiền này gấp đôi GDP của Myanmar, 8 lần GDP của Campuchia và 13 lần của Lào.

Không chỉ những nước nghèo hay đang phát triển mới bị nạn hàng nhái tấn công. Ở châu Âu, 10% đồ chơi trẻ em chứa chì và pin giả, 10% thiết bị phụ tùng kém chất lượng... Tuy nhiên ở những nước khác nhau, tình trạng thuốc giả tùy vào nhu cầu sử dụng. Như tại các quốc gia phát triển, viagra, anti acides, anti cholesterol... được làm nhái nhiều nhất. Còn ở các nước nghèo, kháng sinh lại là loại chiếm đa số.

Sự bùng nổ của hàng nhái (fake) trên khắp thế giới khiến cho các nhãn hàng đứng ngồi không yên. Nguy hiểm hơn, các loại thuốc bị làm giả có thể gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe con người, thậm chí gây tử vong. Lịch sử hàng giả ghi nhận: Năm 1996, một người đàn ông 33 tuổi ở Campuchia đột nhiên sốt cao. Anh ta được bác sỹ cho uống Mefloquine. Sau 3 ngày hôn mê, người đàn ông đó đã tử vong. Mẫu thuốc đó đã được gửi sang châu Âu để nghiên cứu và cho kết quả thuốc giả. Năm 1995, loại thuốc tiêm giả của bệnh viêm màng não cũng đã giết chết 2.500 người... 

Để đẩy lùi mối đe dọa do các mạng lưới tội phạm buôn hàng giả có tổ chức, thế giới phải liên kết với nhau. Các doanh nghiệp chân chính cần chủ động bảo vệ quyền lợi của mình, còn người tiêu dùng cần cảnh giác và không nên ham rẻ và sính ngoại.