Đại dịch Covid-19 đào sâu thêm hố ngăn cách giàu - nghèo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới trong năm qua đã để lại những di chứng, hậu quả nặng nề và đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực, nghiêm trọng nhất là những nước nghèo, người nghèo chiếm tuyệt đại đa số. Thế nhưng, chẳng khác nào một nghịch lý khi trong đại dịch, một số rất ít ỏi những người vốn đã siêu giàu lại thêm siêu giàu.
  1. Đã siêu giàu còn giàu thêm

Trước thềm Hội nghị trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo thế giới dưới sự chủ trì của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), tổ chức phi chính phủ Oxfam ngày 17-1 công bố một báo cáo cho biết, 10 người giàu nhất thế giới đã tăng gấp đôi tài sản của mình trong 2 năm đầu đại dịch Covid-19, trong khi nghèo đói và bất công gia tăng. Theo đó, tổng tài sản của Top 10 người giàu nhất thế giới đã tăng từ 700 tỷ USD lên 1.500 tỷ USD, tức là trung bình 1,3 tỷ USD/ngày.

Báo cáo của Oxfam nêu, tài sản của các tỷ phú thế giới đã tăng trong đại dịch nhanh hơn trong 14 năm trước đó, khi nền kinh tế thế giới phải chứng kiến trận suy thoái tồi tệ nhất kể từ sự kiện sụp đổ thị trường chứng khoán Mỹ Wall Street Crash năm 1929. Trong khi đó, Oxfam cho biết, đại dịch đã đẩy 160 triệu người ở nhiều quốc gia lâm vào nghèo đói, trong đó phụ nữ và các dân tộc thiểu số da màu bị tác động nhiều nhất.

Báo cáo của Oxfam không nêu Top 10 tỷ phú giàu nhất thế giới là ai, tuy nhiên, thống kê của Tạp chí Forbes chuyên đánh giá, xếp hạng những người giàu toàn cầu đã liệt kê danh sách 10 người giàu nhất thế giới trong năm qua là: Elon Musk, ông chủ hãng Tesla và SpaceX; Jeff Bezos, Giám đốc trang thương mại điện tử Amazon; Larry Page và Sergey Brin, hai nhà sáng lập nền tảng tìm kiếm trực tuyến Google; Mark Zuckerberg, ông chủ và là Giám đốc mạng xã hội Facebook (đã đổi tên là Meta Platforms); Bill Gates và Steve Ballmer, các cựu Giám đốc điều hành (CEO) của Microsoft; Larry Ellison, cựu CEO của tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia Oracle; Warren Buffet, nhà đầu tư Mỹ và Bernard Arnault, người đứng đầu tập đoàn số 1 thế giới về đồ xa xỉ LVMH.

Người nghèo là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch Covid-19

Người nghèo là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch Covid-19

Trong khi đó, theo thống kê của Bloomberg, tổng giá trị tài sản ròng của 10 tỷ phú giàu nhất thế giới đã tăng thêm hơn 402 tỷ USD trong năm 2021. Đối với hầu hết những người giàu nhất thế giới, phần lớn giá trị tài sản ròng của họ đến từ chứng khoán và lợi nhuận họ có được đa phần nhờ sự “bùng nổ” của thị trường. Đứng đầu danh sách những người có tài sản tăng thêm nhiều nhất trong năm qua do Bloomberg tổng hợp là ông Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla và cũng là người giàu nhất thế giới trong năm nay. Dù thấp hơn mức tăng 140 tỷ USD của năm 2020, khối tài sản của ông Elon Musk vẫn tăng thêm 121 tỷ USD trong năm 2021 lên 277 tỷ USD. Mức tăng này chủ yếu nhờ sự phát triển nhanh chóng của hãng sản xuất ô tô điện Tesla khi cổ phiếu của hãng đã tăng tới 60% trong năm nay và Tesla đạt mức vốn hóa thị trường 1.000 tỷ USD lần đầu tiên vào tháng 10-2021.

Đứng thứ hai trong danh sách 10 người giàu nhất hành tinh là ông Jeff Bezos dù tài sản không tăng thêm nhiều như CEO Tesla Elon Musk, song tỷ phú từng giữ cương vị người giàu nhất thế giới này vẫn “bỏ túi” thêm 5 tỷ USD trong năm 2021 và đưa tổng khối tài sản ròng của mình lên 195 tỷ USD. CEO của Tập đoàn hàng xa xỉ LVMH có khối tài sản tăng thêm 61 tỷ USD và đạt 176 tỷ USD trong năm 2021. Vị CEO 72 tuổi này đang nắm giữ danh hiệu người giàu nhất châu Âu.

Mặc dù đã từ thiện hàng chục tỷ USD trong những thập niên gần đây và phải chia hàng tỷ USD trong vụ ly hôn, khối tài sản của tỷ phú Bill Gates vẫn tiếp tục tăng lên, một phần nhờ vào hiệu quả hoạt động của cổ phiếu Microsoft, công ty do ông đồng sáng lập và vẫn sở hữu khoảng 1% cổ phần. Trong năm 2021, tổng tài sản của ông ở mức 139 tỷ USD, tăng 7 tỷ USD so với năm trước. Cũng theo danh sách, các nhà đồng sáng lập Google, ông Larry Page và Sergey Brin, đã lần lượt thêm hơn 47 tỷ USD và trên 45 tỷ USD vào giá trị tài sản ròng của họ.

Ông chủ trẻ tuổi của Facebook là Mark Zuckerberg cũng đã kiếm thêm được 24,3 tỷ USD trong năm qua, nâng tổng giá trị tài sản của ông lên 128 tỷ USD. Danh sách cũng cho thấy cựu CEO Microsoft Steve Ballmer đã kiếm được hơn 41 tỷ USD vào năm 2021 và tỷ phú - nhà đầu tư hàng đầu Warren Buffett có thêm trên 21 tỷ USD. Ông Larry Ellison, chủ tịch điều hành của công ty công nghệ Oracle, cũng ghi nhận khối tài sản tăng thêm gần 29 tỷ USD.

Hành động ngay để lấp hố sâu ngăn cách giàu - nghèo

Báo cáo của Oxfam nêu rõ, khối lượng tài sản của những người giàu nhất thế giới đã tăng với tốc độ kỷ lục trong đại dịch Covid-19. Oxfam vì thế kêu gọi cải cách thuế để tài trợ cho việc sản xuất vaccine phòng Covid-19 và chăm sóc y tế trên toàn thế giới, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm tình trạng bạo lực giới.

Có thể thấy, trong đại dịch Covid-19, người giàu trên thế giới ngày càng giàu, trong khi người nghèo càng trở nên khó khăn. Theo Báo cáo Bất bình đẳng thế giới do một mạng lưới các nhà khoa học xã hội thực hiện, giá trị tài sản mà các tỷ phú trên thế giới sở hữu trong năm 2021 chiếm 3,5% giá trị tài sản toàn cầu, cao hơn nhiều so với mức 2% khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2020. Nói cách khác, cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra đã làm gia tăng bất bình đẳng giữa những người rất giàu và phần còn lại của thế giới.

Báo cáo trên nêu rõ một nhóm rất nhỏ những người giàu nhất trên thế giới sở hữu 10% tài sản toàn cầu, trong khi nhóm trung lưu nắm giữ 40% và nhóm nghèo nhất giữ 50%. Danh sách những người có tài sản tổng trị giá trên 1 tỷ USD do Forbes bình chọn hàng năm cũng cho thấy, năm 2021, con số này đã lên mức kỷ lục từ trước tới này là có 2.755 người nắm giữ tổng giá trị tài sản lên tới 13.100 tỷ USD, tăng mạnh so với con số 8.000 tỷ USD ghi nhận chỉ một năm trước đó.

Một nhóm 520.000 người trưởng thành giàu nhất thế giới (sở hữu tài sản có giá trị ít nhất 16,7 triệu euro, tức khoảng 19 triệu USD) trong năm 2021 chỉ chiếm 0,01% dân số thế giới nhưng sở hữu tới 11% tài sản toàn cầu, tăng so với con số 10% năm ngoái. Theo các nhà phân tích, trong nhóm siêu giàu này, một số thậm chí còn được hưởng lợi từ hoạt động mua bán trực tuyến phổ biến trong thời kỳ dịch bệnh.

Hố ngăn cách giàu - nghèo trong đại dịch Covid-19 bị đào sâu thêm, điều khác hẳn nhiều cuộc đại khủng hoảng, khiến khoảng cách giảm bớt, như hai cuộc đại chiến thế giới, hay cuộc đại suy thoái 1929-1933. Tại các nước phát triển, chính quyền rót những khoản tiền trợ cấp khổng lồ để bảo vệ doanh nghiệp, duy trì thu nhập, tránh nghèo đói bùng phát, nhưng bên hưởng lợi, phần lớn là các đại gia, điều này khiến khoảng cách giàu nghèo tăng mạnh hơn. Bởi thế, các nhà hoạt động xã hội cho rằng, cần tăng thuế nhắm vào các tài sản lớn, được hưởng lợi nhờ đại dịch, để bù lấp hố ngăn cách giàu - nghèo. Đồng thời, cần phải có chính sách thu hẹp bất bình đẳng thông qua đầu tư cho giáo dục, y tế, lĩnh vực vốn được nhiều nơi coi là gánh nặng ngân sách.

Theo giới chuyên môn, không phải ngẫu nhiên mà biến thể Omicron mới đang gây lo lắng xuất hiện tại Nam Phi, nơi tỷ lệ tiêm chủng khoảng 25%. Thực trạng nhức nhối năm qua là các nước nghèo không có đủ vaccine phòng Covid-19 vì rào cản bằng sáng chế, do đó cần dỡ bỏ ngay lập tức quy định bảo vệ bằng sáng chế với vaccine Covid-19, để thế giới có thể thoát được cuộc khủng hoảng y tế hiện nay.