Dãi dầu tiền dân ở những công trình dở dang

ANTĐ - Chỉ có 2.027/2.863 dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2006 - 2012 đã hoàn thành (dù trong đó rất nhiều dự án chậm tiến độ), còn lại trên 800 dự án vẫn dở dang. Nguyên nhân chính là do thiếu nguồn vốn, đầu tư dàn trải.

Đầu tư dàn trải và nợ đọng xây dựng cơ bản dẫn đến lãng phí lớn (Ảnh minh họa)

Hôm nay (7-6), Quốc hội thảo luận cả ngày ở hội trường về việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) cho đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), giai đoạn 2006-2012.

Các ĐB đều nhất trí rằng, việc Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ quyết định chủ trương phát hành TPCP cho đầu tư các công trình, dự án quan trọng giai đoạn 2006 - 2012 là đúng đắn, góp phần quan trọng nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của từng địa phương nói riêng.

Tuy nhiên thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. ĐB Ly Kiều Vân (Quảng Trị) nêu ý kiến: Nợ đọng trong xây dựng cơ bản còn lớn, tình trạng các dự án dở dang nhiều năm cũng như tiến độ thi công chậm đang diễn ra khá phổ biến. Theo báo cáo vẫn còn trên 800 dự án chưa hoàn thành, nguyên nhân chính do thiếu vốn hoặc chậm được giải ngân. Đến khi giải ngân được thì lại rơi vào mùa mưa nên công trình lại phải nâng cấp, sửa chữa gây lãng phí rất nhiều.

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nhìn nhận: Số dự án tăng mức đầu tư khá lớn, dẫn đến thiếu vốn. Nhiều dự án đang triển khai phải cắt, giãn, hoãn tiến độ, chuyển đổi hình thức đầu tư gây lãng phí nguồn lực. Có những công trình xây dựng đạt 2/3 tiến độ bỗng dưng dự án bị cắt nên phải hoãn kéo dài, rơi vào tình trạng phơi mưa, phơi nắng gây hư hao, lãng phí. Công trình không thể đi vào hoạt động được, trong khi nhân dân thì vẫn mong đợi.

ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên) nêu ra 3 khâu, mà theo bà còn tồn tại nhiều kẽ hở, gây lãng phí lớn, gồm: 1. Chủ trương quy hoạch thiếu tính khả thi, mục tiêu đầu tư quá lớn, vượt xa khả năng cân đối nguồn vốn; 2. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án chưa gắn với các quy hoạch được duyệt ban đầu hoặc triển khai dự án; 3. Công tác triển khai thực hiện dự án chưa thực sự được quan tâm dẫn đến tình trạng các dự án dở dang, kéo dài không đảm bảo tiến độ. “Có lẽ không ai không cảm thấy xót xa khi con số lãng phí, thất thoát luôn là đơn vị tỷ đồng và nhiều tỷ đồng. Thực chất đây chính là tiền thuế của dân, do dân đóng góp”- bà Dung nói.

Từ thực tế trên, các vị ĐBQH đã nêu ra giải pháp. ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) đề nghị, trên cở sở đánh giá toàn diện tác động của dự án bị giãn tiến độ trên phạm vi cả nước, Quốc hội cần xem xét, ưu tiên phân bổ vốn TPCP dự phòng hoặc tăng tổng mức phát hành TPCP giai đoạn 2012 - 2015 để tiếp tục đầu tư các dự án, công trình dở dang đưa vào sử dụng. Ưu tiên cho các dự án đang bị cắt giảm, giãn hoãn tiến độ tại các địa phương, các tỉnh miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tiếp nữa cần thực hiện nghiêm túc việc thanh tra, kiểm tra, quản lý sử dụng vốn TPCP, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm thuộc trách nhiệm của người có thẩm quyền.

“Cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát các công trình, dự án có sử dụng vốn trái phiếu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả vai trò giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp, của nhân dân và các tổ chức chính trị xã hội; đồng thời cần kiểm điểm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các sai phạm của tổ chức, cá nhân vi phạm”- đồng ý kiến với ĐB Thanh, ĐB Ly Kiều Vân đóng góp thêm về giải pháp.

Tin cùng chuyên mục