Đại biểu Quốc hội: Việt Nam là 1 trong 46 nước có số giờ làm việc cao nhất thế giới

ANTD.VN - Góp ý vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), ĐBQH - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh, Việt Nam hiện là quốc gia có số giờ làm việc thuộc nhóm cao nhất thế giới. Trong khi đó, giảm giờ làm là xu hướng chung của toàn cầu.

ĐBQH Ngọ Duy Hiểu góp ý về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Ngày 20-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Một trong những quy định đang được dư luận quan tâm nhất tại dự thảo luật này là đề xuất quy định giảm giờ làm từ 48h/ tuần hiện nay xuống 44h/tuần, tức người lao động được nghỉ thêm chiều thứ 7 hàng tuần.

Nêu quan điểm về vấn đề này tại phiên họp, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, đất nước phát triển, doanh nghiệp phát triển thì người lao động mới có việc làm tốt hơn nhưng điều quan trọng là phải tiếp cận vấn đề việc làm ở góc độ phát triển bền vững chứ không phải tăng trưởng nóng.

"Ngay từ đầu Tổng LĐLĐ đã đề nghị quy định trong bộ luật này về thời gian làm việc là 44h/ tuần. Cho tới gần đây chúng tôi không thấy phương án này được đưa ra trong dự thảo luật nên chúng tôi tiếp tục có ý kiến" - ĐB Ngọ Duy Hiểu nói.

Theo ông Hiểu, về căn cứ đề nghị giờ làm việc của người lao động là 44h/ tuần, đây không phải là mong muốn chủ quan của Tổng LĐLĐ mà trên cơ sở lắng nghe ý kiến người lao động. Cùng với đó là căn cứ so sánh giờ làm việc chung với quốc tế.

"Như báo cáo gần đây, Việt Nam là 1/46 nước có 48h làm việc/tuần, thuộc nhóm nước có thời gian làm việc cao nhất thế giới. Mặt khác, thời gian làm việc danh nghĩa của chúng ta ở mức khá cao nhưng thời gian làm việc thực tế ở Việt Nam hiện nay thuộc nhóm cao nhất thế giới do chúng ta chưa kiểm soát được vấn đề thanh tra, kiểm tra" - ông Hiểu dẫn chứng.

Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải

Dẫn các số liệu cụ thể về số giờ làm, ngày nghỉ của một số quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Myanmar…, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nêu rõ, trên cơ sở thực tiễn, xu hướng giảm giờ làm là xu hướng chung của thế giới.

Liên quan đến vấn đề này, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cũng nêu quan điểm không đồng tình với việc tăng giờ làm thêm vì nếu công nhân làm việc liên tục, tăng ca thường xuyên thì sẽ không có thời gian để thụ hưởng các thành quả của xã hội, không đến được các khu vui chơi, giải trí...

“Người lao động hay doanh nghiệp thì cũng đều là người dân, tuy nhiên người lao động yếu thế hơn. Và do đó những quyền lợi, mong muốn của người ta chưa được thể hiện một cách rõ ràng, đầy đủ. Qua tổ chức công đoàn người ta bày tỏ nguyện vọng, việc tăng giờ làm thêm là không thể tăng được” – bà Hải nêu, đồng thời đề nghị cần quan tâm đến đời sống của công nhân.

Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng, việc làm thêm giờ liên quan tăng năng suất lao động nhưng không phải dựa vào sức người mà dựa vào đổi mới công nghệ để tăng năng suất.

“Nếu tăng giờ, tăng năng suất thì doanh nghiệp sẽ hạn chế cải tiến công nghệ mà tận dụng sức người. Như vậy là khuyến khích tăng giờ mà không đổi mới công nghệ, như vậy người lao động rất khổ, không có thời gian chăm sóc gia đình” – ông Phúc nói.