"Đại biểu Quốc hội sẽ chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam"

ANTD.VN - Để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội quy định đại biểu Quốc hội chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc 

Sáng 29-10, trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết mục đích của việc sửa đổi luật lần này chủ yếu là nhằm thể chế hóa chủ trương trong Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương về tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào 15/102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. 

"Dự thảo luật bổ sung quy định tiêu chuẩn về quốc tịch đối với đại biểu Quốc hội để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn. Theo đó, đại biểu Quốc hội có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam", Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Dự thảo luật cũng bổ sung quy định về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định số lượng và phê chuẩn đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội.

Theo báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các nội dung sửa đổi, bổ sung trong Luật Tổ chức Quốc hội như thể hiện trong dự thảo luật về đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. 

Về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trác, báo cáo thẩm tra cho biết đa số ý kiến thành viên Ủy ban Pháp luật tán thành việc giữ nguyên quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị sửa luật hiện hành theo hướng quy định tỷ lệ tối thiểu đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách với con số cụ thể ở mức cao hơn 35% để có cơ sở phấn đấu, quy hoạch, bố trí cán bộ.

Theo dự thảo, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2021.

Tin cùng chuyên mục