Đại biểu Quốc hội phải trách nhiệm hơn trong việc dự họp, cho ý kiến

ANTD.VN - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vắng mặt quá nhiều ở kỳ họp thứ 7 vừa qua, đặc biệt là vắng mặt ở những phiên biểu quyết… là chưa nghiêm túc, cần rút kinh nghiệm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Tiếp tục chương trình làm việc tại phiên họp thứ 35, sáng nay, 16-7, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành tổng kết kỳ họp thứ 7 - Quốc hội khoá XIV và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8.

Trình bày các báo cáo tại phiên họp này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và đại diện Chính phủ, đại diện Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đều khẳng định, Kỳ họp thứ 7 diễn ra thành công, được dư luận đánh giá tốt. Tuy vậy, các báo cáo và ý kiến thảo luận cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều điểm tồn tại, trong đó có việc ĐBQH vắng mặt khá nhiều ở một số phiên thảo luận, biểu quyết.

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu dẫn chứng, tại kỳ họp vừa qua, có vấn đề rất lớn nhưng khi lấy ý kiến ĐBQH thì số phiếu thu về quá ít, 484 ĐBQH mà có nội dung lấy phiếu chưa đến 300 đại biểu thể hiện chính kiến. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng trong hoạt động của Quốc hội.

Tương tự, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu, có đoàn ĐBQH trong một buổi thảo luận vắng mặt tới 13 đại biểu, thậm chí có những phiên biểu quyết trước Quốc hội mà có đến 70-80 ĐBQH vắng mặt, như vậy là không nghiêm túc và điều này cần phải chấn chỉnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết, kỳ họp thứ 7 vừa qua số ĐBQH vắng mặt rất nhiều, mỗi ngày vắng không dưới 30 người, có ngày trên dưới 100 người, vắng cả khi biểu quyết. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần rút kinh nghiệm về việc này, đồng thời đề nghị ĐBQH phải trách nhiệm hơn nữa trong việc cho ý kiến.

Về việc chuẩn bị chương trình kỳ họp thứ 8 – Quốc hội khóa 14 diễn ra vào tháng 10-11 tới đây, một trong những nội dung quan trọng được Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc lưu ý là Chính phủ, các cơ quan hữu quan sớm khẳng định việc trình Quốc hội xem xét về phê chuẩn các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); sửa đổi, bổ sung các luật để thực hiện Hiệp định EVFTA và EVIPA.