Đại biểu Quốc hội phải đóng vai trò lớn hơn trong công tác lập pháp

ANTD.VN - Sáng 29-10, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà phát biểu

ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà nêu ý kiến, vấn đề cơ cấu đại biểu Quốc hội chưa thực sự đổi mới khi nhiều Bộ trưởng, thậm chí một số Chủ tịch UBND tỉnh làm đại biểu Quốc hội, dẫn đến thực tế là gặp khó khăn trong chỉ đạo, điều hành, do các đại biểu kiêm nhiệm này phải dành thời gian cho việc thực hiện nhiệm vụ làm đại biểu Quốc hội.

"Quốc hội có quyền yêu cầu Bộ trưởng giải trình, yêu cầu đến để chất vấn nhưng phải chăng Bộ trưởng, Chủ tịch UBND không nên là đại biểu Quốc hội?" - ông Hà đặt câu hỏi, đồng thời đề nghị tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, giảm số lượng đại biểu Quốc hội là người thuộc cơ quan hành pháp.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đồng tình với quan điểm nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách, không chỉ 35% mà cần 50-60% để "đội ngũ Quốc hội có vai trò khác đi". 

Bộ trưởng đề nghị tới đây đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phải đóng vai trò lớn hơn trong công tác lập pháp, cụ thể là soạn thảo và trình các dự án luật, chứ không nên để đại đa số dự án luật do cơ quan lập pháp trình như hiện nay.

"Ở các nghị viện trên thế giới thì họ có quyền chất vấn Bộ trưởng bất cứ lúc nào, chất vấn cả Chủ tịch UBND các địa phương nữa. Tôi nghĩ là lần này sửa luật nếu thay đổi thì cũng là bước thay đổi hoạt động của chúng ta" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Đại biểu Trần Văn Quý (đoàn Hưng Yên) đề nghị quy định kinh phí hoạt động của các đoàn ĐBQH do Quốc hội đảm bảo

Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Quý (đoàn Hưng Yên) dẫn chứng ở các nước, khi được bầu làm nghị sỹ chuyên nghiệp, hay đại biểu chuyên trách người ta cảm thấy vinh dự, hăng say, gắn bó lâu dài, còn ở ta chưa đạt được suy nghĩ như vậy.

Theo ông Quý, phải coi đoàn ĐBQH là một bộ phận của Quốc hội đặt tại địa phương, chứ không thể coi là một cơ quan của địa phương. Vì vậy, việc dự thảo luật quy định các điều kiện đảm bảo hoạt động của ĐBQH và đoàn ĐBQH “đẩy” hết về cho địa phương là không hợp lý.

“Đề nghị cơ chế tài chính vẫn giữ nguyên như quy định năm 2014, Nghị quyết của Quốc hội, đó là hoạt động của ĐBQH, các đoàn ĐBQH do kinh phí Quốc hội đảm bảo. Còn sau này nếu sáp nhập các văn phòng, chuyển về địa phương thì hoạt động của bộ phận giúp việc cho đoàn ĐBQH sẽ do địa phương chi trả”, đại biểu Trần Văn Quý kiến nghị.