Đại biểu Quốc hội: Mỗi lần vào mạng luôn cảm thấy bất an

ANTĐ - Trong phiên thảo luận tại hội trường về Dự án Luật an toàn thông tin sáng 24-6, nhiều ý kiến bất an, lo ngại, về việc kiểm soát những tác hại khôn lường từ "cộng đồng mạng"...

“Vụ nữ sinh uống thuốc diệt cỏ tự tử ở Đồng Nai do bị bạn trai đưa clip “nóng” lên mạng xã hội là vô cùng đau xót. Một câu nói của người thân nữ sinh này làm tôi phải suy nghĩ: “Xin cộng đồng mạng hãy tha cho cháu”. Câu hỏi đặt ra là có cách nào ứng cứu khẩn cấp đối với gia đình em nữ sinh trong tình huống này?”…

Đó là chia sẻ của Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình, Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội) trong phiên thảo luận tại hội trường về Dự án Luật an toàn thông tin sáng 24-6.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu

Cũng theo Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, vụ việc này vô cùng đau xót. “Qua đối chiếu các quy định về thông tin cá nhân và trao đổi với Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son, tôi được biết đây là thông tin riêng, thông tin cá nhân, chưa được quy định trong pháp luật. Câu hỏi đặt ra là có cách nào ứng cứu khẩn cấp đối với gia đình em nữ sinh trong tình huống này? Thời gian qua, công tác bảo vệ thanh thiếu niên trước tác động xấu của mạng xã hội được nhiều nước quan tâm. Theo tôi, việc xây dựng Luật an toàn thông tin là vô cùng cần thiết, làm giảm thiểu tác động xấu của mạng internet đến thanh thiếu niên. Tôi đề nghị đổi tên chương 3 thành “Bảo vệ thông tin cá nhân, thông tin riêng trên mạng” – Đại biểu Nguyễn Thanh Hải đề xuất.

Quang cảnh phiên họp Quốc hội sáng 24-6

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) phát biểu thời gian qua, tình trạng thông tin cá nhân bị đánh cắp ngoài ý muốn, phát tán thông tin sai lệch từ máy chủ đặt ngoài lãnh thổ Việt Nam diễn ra khá phổ biến. 

Bên cạnh đó, trong khi các cửa hàng bày bán công khai điện thoại thông minh với cấu hình cực mạnh nhưng giá rất rẻ xuất xứ từ Trung Quốc cùng nhiều thiết bị khác có thể kết nối internet xuất hiện tràn lan không ai kiểm soát, nhưng lại đòi hỏi người sử dụng phải thông minh và hiểu biết thì chẳng khác nào đánh đố? Điều này cần câu trả lời của cơ quan chức năng trước khi luật hóa các nội dung này cho phù hợp. Một vấn đề khác là tấn công mạng không chỉ là nguy cơ mà diễn ra hàng ngày hàng giờ, đặc biệt là tại các cơ quan hành chính Nhà nước song vẫn chưa có giải pháp kiểm soát chế độ bảo mật. Do đó, luật cần có chương riêng về vấn đề này.

Đại biểu Trần Văn (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) phát biểu, tác hại của mất an toàn thông tin ai cũng thấy rõ, trung bình mỗi ngày mỗi người nhận hàng chục thư, tin nhắn rác. Vì vậy, trong các hành vi bị nghiêm cấm, cần bổ sung hành vi xử lý thông tin riêng, thông tin cá nhân trái pháp luật. Bên cạnh đó, tổ chức cá nhân phải có trách nhiệm cách ly hệ thống của mình khi phát hiện phần mềm độc hại trên hệ thống. Việc ứng cứu thông tin phải có quy trình, kịch bản xử lý sự cố an toàn thông tin.

       

Về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Đoàn ĐBQH Thái Nguyên) cho rằng, “tôi ít truy cập mạng nhưng mỗi lần vào luôn cảm thấy bất an. Tôi đề nghị các nhà cung cấp dịch vụ phải công khai minh bạch các ứng dụng, liên kết cho người sử dụng dịch vụ. Nhà nước cần bố trí ngân sách cho đảm bảo an toàn thông tin, vì phòng là chính, phòng thì ít tiền nhưng chữa thì vô cùng tốn kém”.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường phát biểu

Còn theo Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội), dự thảo luật chưa định nghĩa được các dạng thông tin cần đảm bảo an toàn, chưa nêu rõ cách đảm bảo an toàn thông tin cá nhân. Bên cạnh đó, Luật cần thông thoáng hơn về kinh doanh dịch vụ đảm bảo an toàn thông tin, song nên quy định chặt chẽ dịch vụ kiểm định, đánh giá chất lượng sản phẩm.