Đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung quy định xử lý trách nhiệm cơ quan chịu sự giám sát

ANTD.VN -"Cần bổ sung quy định về xử lý trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, quy định cụ thể các hành vi, tính chất, mức độ vi phạm, trình tự, thủ tục thực hiện"...

Đề nghị bổ sung đối tượng chịu sự giám sát

Góp ý về nguyên tắc hoạt động giám sát tại Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đại biểu Vũ Thị Liên Hương (đoàn Quảng Ngãi) cho biết, dự thảo bổ sung nguyên tắc bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương là phù hợp. Còn về cách thức thể hiện, đại biểu thống nhất theo phương án 1 để xác định đây là một nguyên tắc riêng, một nội dung mới được bổ sung vào trong luật.

Về sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, dự thảo luật chỉ sửa đổi bổ sung khoản 2, theo đại biểu, cần quy định thêm đối tượng là Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm gửi văn bản quy phạm pháp luật mà mình đã ban hành đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời gửi đến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội có liên quan để giám sát.

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (đoàn Quảng Ngãi) phát biểu

Đại biểu cũng đề nghị xem xét sửa đổi bổ sung khoản 4. Theo đó, bổ sung quy định về xử lý trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát trong việc thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị của chủ thể giám sát. Quy định thật cụ thể các hành vi, tính chất, mức độ vi phạm, trình tự, thủ tục thực hiện đảm bảo cơ sở pháp lý thực hiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát của cơ quan dân cử.

Về sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 13 về thời điểm xem xét báo cáo của các cơ quan, đại biểu đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành. Vì kỳ họp cuối năm, Quốc hội cần phải xem xét toàn diện các vấn đề để có đầy đủ thông tin quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính, phân bổ ngân sách nhà nước và quyết định các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các vấn đề liên quan trong năm sau.

Góp ý về bổ sung Điều 15 xem xét việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề bằng hình thức chất vấn, đại biểu tán thành bổ sung quy định này. Theo đó, tại kỳ họp cuối năm của năm thứ hai và kỳ họp cuối năm của năm thứ tư của nhiệm kỳ, Quốc hội xem xét về chất vấn việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn giám sát chuyên đề.

Như vậy, Quốc hội thực hiện giám sát liên tục, đi đến cùng vấn đề và xem xét trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền đối với vấn đề đã hứa giải quyết với cử tri. Vấn đề này, đại biểu đề nghị nghiên cứu thực hiện đối với Hội đồng Nhân dân các cấp. Tuy nhiên tại khoản 3 của điều này quy định các trường hợp Quốc hội cho trả lời chất vấn bằng văn bản là trùng với quy định tại khoản 4 Điều 14, đề nghị rà soát, chỉnh lý cho thống nhất…

Quá thời hạn mà cơ quan, cá nhân không thực hiện kết luận giám sát xử lý thế nào?

Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (đoàn Trà Vinh) đề nghị ban soạn thảo bổ sung thêm quy định đối với trách nhiệm của UBND ở những nơi không có HĐND cùng cấp thì việc gửi quyết định mà mình đã ban hành đến HĐND cấp trên chậm nhất là 3 ngày kể từ ngày ký văn bản.

Về quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, đại biểu đề nghị ban soạn thảo quy định thêm về trách nhiệm cụ thể mang tính bắt buộc đối với các chủ thể này; cần bổ sung các giải pháp thực sự hiệu quả để tăng cường theo dõi, đôn đốc, ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát, bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc các kết luận, kiến nghị giám sát; bổ sung quy định chế tài xử lý trong trường hợp quá thời hạn mà cơ quan, cá nhân không thực hiện kết luận, kiến nghị hoặc thực hiện không đúng yêu cầu; quy định trách nhiệm của cơ quan truyền thông trong việc phản ánh tình hình, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát; tăng cường trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát.

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga (đoàn Trà Vinh) thảo luận

Về nội dung tham gia giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đại biểu tỉnh Trà Vinh đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định rõ hơn về quyền và trách nhiệm của cá nhân tham gia giám sát, theo tôi chủ thể này nên bổ sung quy định đối tượng là nhân dân được tham gia trong hoạt động giám sát, kiểm soát quyền lực nói chung và kiểm soát quyền lực người đứng đầu cơ quan Nhà nước nói riêng.