Đại biểu Quốc hội đánh giá việc đưa Công an chính quy về xã đem lại hiệu quả cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại biểu Vương Ngọc Hà (đoàn Hà Giang) đánh giá chủ trương chuyển Công an chính quy về xã của Bộ Công an, thời gian qua từ thực tế tại địa phương đã cho thấy, đạt hiệu quả rất cao, đồng thời kiến nghị có cơ chế để lực lượng này thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa xã hội.

Ngày 26-10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.

Tham gia thảo luận, đại biểu Vương Ngọc Hà (đoàn Hà Giang) đánh giá chủ trương chuyển Công an chính quy về xã của Bộ Công an, thời gian qua từ thực tế tại địa phương đã cho thấy hiệu quả rất cao, đồng thời kiến nghị có cơ chế để lực lượng này thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa xã hội.

“Tại địa phương chúng tôi, lực lượng Công an chính quy khi về xã sẽ sớm phát hiện, ngăn chặn tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, để từ đó tuyên truyền về hôn nhân gia đình hay chế tài xử lý hành chính, hình sự để họ hiểu, không vi phạm. Các đồng chí cũng có thể sớm phát hiện mâu thuẫn gia đình, ngăn chặn tâm lý cực đoan, từ đó góp phần ngăn ngừa các vụ tự tử vì nguyên nhân này”, bà Vương Ngọc Hà nói và đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Công an phối hợp, có cơ chế giao nhiệm vụ cho lực lượng Công an chính quy về xã làm tuyên truyền viên pháp luật.

Đại biểu Trần Thị Dung bức xúc với nạn bảo kê máy gặt tại vùng nông thôn

Đại biểu Trần Thị Dung bức xúc với nạn bảo kê máy gặt tại vùng nông thôn

Bày tỏ bức xúc với nạn "bảo kê" máy gặt lúa tại nhiều địa phương, đại biểu Trần thị Dung (đoàn Điện Biên) cho biết tình trạng này bắt đầu xuất hiện từ năm 2016, không chỉ gây mất an ninh trật tự mà còn khiến chủ máy gặt thổi giá lên cao để “lấy thu bù chi” và đối tượng chịu thiệt thòi cuối cùng là người nông dân.

“Mỗi mùa gặt đến, chúng ép người dân phải thuê những máy gặt mà chúng đã nhận bảo kê với giá cao, nếu không đồng ý sẽ không cho gặt hoặc giữ lại lúa gạo. Đối với chủ máy gặt bên ngoài nếu muốn hoạt động phải nộp cho chúng 20-30 nghìn đồng/sào, phải ký vào hợp đồng chúng đã soạn sẵn.

Nhiều chủ máy gặt muốn yên ổn làm ăn nên cắn răng nộp cho chúng 2-3 triệu đồng, người dân bức xúc với hành vi ngang ngược này nhưng sợ ảnh hưởng nên đành chấp nhận bởi nếu phản kháng, các đối tượng sẵn sàng gây thương tích...”, bà Dung nói.

Nhận định để xảy ra tình trạng trên là do chính quyền địa phương chưa quan tâm, xử lý rốt ráo, nữ đại biểu tỉnh Điện Biên kiến nghị các cơ quan hữu quancó giải pháp ngăn chặn từ gốc, xử lý nghiêm các hành vi "bảo kê" để giữ an ninh trật tự vùng nông thôn, bảo vệ thành quả sản xuất của người nông dân.