Đại biểu Quốc hội: Cảnh sát cơ động có quyền ngăn chặn vô hiệu hóa tàu bay không người lái

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phát biểu ý kiến về Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đồng tình với quy định cảnh sát cơ động có quyền ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ...

Tiếp tục Chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, sáng 26/5/2022, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Cảnh sát cơ động có quyền ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cũng nhất trí cao đối với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này; cho rằng hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị công phu; các nội dung đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội và chỉnh lý theo hướng khoa học hơn so với dự thảo trình tại Kỳ họp trước.

Nêu quan điểm ủng hộ nội dung liên quan đến quyền hạn của cảnh sát cơ động được quy định tại Điều 10 của dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ đồng tình với quy định cảnh sát cơ động có quyền ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Theo đại biểu, trong thực tế các loại phương tiện bay siêu nhẹ này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa với các mục tiêu bảo vệ.

Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động quy định khá rõ ràng về nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động

Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động quy định khá rõ ràng về nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động

Dự thảo tuân thủ Hiến pháp 2013 về quyền con người, quyền công dân

Tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) cho rằng dự thảo Luật đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc luật hóa các quy định về quyền con người, quyền công dân, thống nhất với các quy định liên quan đến chức năng nhiệm vụ và xây dựng lực lượng cảnh sát cơ động, tạo cơ sở vững chắc để lực lượng cảnh sát cơ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phù hợp với yêu cầu xây dựng, bảo vệ nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 5 về vấn đề xây dựng Cảnh sát cơ động theo hướng quy định “Nhà nước xây dựng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; ưu tiên nguồn lực phát triển Cảnh sát cơ động” để đảm bảo thống nhất với Khoản 1 Điều 9 về nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động.

Về hoạt động hợp tác quốc tế, đại biểu nêu rõ, tại Khoản 1, Điều 7 về Hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động đã quy định: “Hoạt động hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động Việt Nam thực hiện theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan".

Đại biểu đề nghị bỏ cụm từ “thỏa thuận quốc tế có liên quan” để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Điều ước quốc tế. Vì Khoản 1, Điều 2 Luật Điều ước quốc tế của quy định rất cụ thể rằng: “Điều ước quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam với bên ký kết nước ngoài, làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam theo pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư...”

Cân nhắc trường hợp huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự

Theo Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội), Điều 9 về nhiệm vụ và Điều 10 quy định quyền hạn của Cảnh sát cơ động nhưng vẫn còn số điều quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động như Điều 11, Điều 12, Điều 13, Điều 15, Điều 16 của dự thảo Luật.

Do vậy, để đảm bảo tính thống nhất giữa các điều, khoản trong điều luật, đại biểu Nguyễn Hữu Chính kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, sắp xếp khoa học, tích hợp các nhiệm vụ cụ thể và các điều luật đã quy định về nhiệm vụ cụ thể của cảnh sát cơ động.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ hơn quy định về trường hợp cấp bách được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự quy định tại Điều 16 dự thảo Luật.

Đại biểu cho rằng, đây là nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân và quyền tài sản nên cần có quy định chặt chẽ hoặc sau khi luật được ban hành phải có văn bản hướng dẫn dưới luật, quy định như thế nào là trường hợp cấp bách để tránh sự lạm quyền của người thi hành công vụ, tránh làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, giúp cảnh sát cơ động thuận tiện cho việc thực hiện nhiệm vụ này.

Cùng cho ý kiến về nội dung này, Đại biểu Bế Minh Đức (đoàn Cao Bằng) nhận thấy, nhiều nội dung của dự thảo Luật Cảnh sát cơ động đã được tiếp thu, chỉnh lý so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, đồng thời đánh giá cao tinh thần nghiêm túc tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo.

Băn khoăn về quy định việc huy động người, phương tiện, thiết bị (Điều 16) của dự thảo Luật, đại biểu Bế Minh Đức cho rằng, việc quy định trong một số trường hợp đặc biệt, được quy định người, phương tiện, thiết bị dân sự và người đang sử dụng điều khiển thiết bị, phương tiện đó để đảm bảo khả năng hoàn thành nhiệm vụ là cần thiết. Nhưng cần cân nhắc, xem xét kỹ để đưa ra các quy định chặt chẽ về phạm vi và thẩm quyền về việc huy động nói trên.