Đại biểu Quốc hội: Cần mở rộng đối tượng khen thưởng tới những tiểu thương, người buôn bán nhỏ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cho ý kiến về Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, cần mở rộng đối tượng khen thưởng tới những tiểu thương, tiểu chủ là những người buôn bán nhỏ...

Mở rộng đối tượng được khen thưởng tới tiểu thương, tiểu chủ

Cho ý kiến về Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nêu rõ, tại các phiên thảo luận về dự án Luật này, Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh lần sửa đổi này phải đảm bảo bao quát hết các đối tượng được khen thưởng. Tư tưởng đó được thể hiện tại Điểm d, Khoản 1, Điều 5 về Nguyên tắc thi đua, khen thưởng đó là chú trọng khen thưởng các tập thể, cá nhân trực tiếp lao động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, khi quy định các hình thức khen thưởng như lập Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ thì dự thảo Luật chưa bao quát hết các đối tượng là người trực tiếp lao động sản kinh doanh.

Cụ thể tại Khoản 2 và Khoản 3, Điều 42, 43, 44 và Điều 72 mới chỉ quy định tặng cho công nhân, nông nhân, trí thức, nhà khoa học, doanh nhân mà lại không có đối tượng là những người trực tiếp sản xuất kinh doanh khác.

Theo đại biểu, những người sản xuất kinh doanh khác, ví dụ như những tiểu thương, tiểu chủ là những người buôn bán nhỏ…họ không phải là công nhân, họ cũng không phải là nông dân mà họ cũng không thuộc là doanh nhân, họ thuộc nhóm là những người lao động khác. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật các đối tượng “những người lao động khác” để bao quát hết các đối tượng.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng chỉ rõ, Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng có một điểm rất quan trọng đó là: “Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở cả bốn khâu: phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Quan tâm tạo điều kiện để các điển hình tiên tiến được tuyên truyền nêu gương, tạo sự lan tỏa trong cơ quan, đơn vị, bộ, ngành, địa phương.”

Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa làm rõ được việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung này vào trong dự thảo Luật để đảm bảo đầy đủ thể chế đầy đủ.

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) phát biểu thảo luận

Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) phát biểu thảo luận

Không tặng nhiều danh hiệu thi đua cho một thành tích, trong một phong trào

Đề cập về nguyên tắc thi đua, khen thưởng đã được quy định tại Điều 5, cho rằng nguyên tắc về thi đua chưa đề cập đến danh hiệu thi đua, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) đề nghị bổ sung thêm nguyên tắc về danh hiệu thi đua: Đó là danh hiệu thi đua có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng và không tặng nhiều danh hiệu thi đua cho một thành tích trong một phong trào thi đua.

Liên quan đến quy định về danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu, đại biểu đề nghị cần cân nhắc lại quy định giao thẩm quyền cho Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố quy định chi tiết điều này. Đại biểu cho rằng, việc xây dựng xã, phường, thị trấn tiêu biểu gắn liền với quá trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao nông thôn mới kiểu mẫu và đô thị văn minh trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, Chính phủ đã có những quy định rất cụ thể về tiêu chuẩn, về trình tự, thủ tục công nhận. Điều này rất thuận lợi cho vấn đề triển khai tổ chức, thực hiện đúng như đánh giá, công nhận danh hiệu.

Vì vậy, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị nên giao cho Chính phủ quy định những tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét tặng, xét công nhận xã, phường, thị trấn tiêu biểu, trong đó còn những tiêu chí nào mà mang tính đặc thù của các địa phương thì giao cho Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố quy định.

Cần có danh hiệu gia đình tiêu biểu

Về danh hiệu gia đình văn hóa, đại biểu Trần Quang Minh (đoàn Quảng Bình) cho rằng, danh hiệu này đã được thực hiện nhiều năm nay, 4 năm gần đây được thực hiện theo Nghị định 122 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, thôn, làng, bản, ấp, tổ dân phố của văn hóa.

Có thể thấy rằng, danh hiệu này khá phổ biến đối với từng gia đình, bình quân hằng năm có địa phương trên 80 % gia đình văn hóa và chinh 95 %. Nếu tiếp tục thực hiện danh hiệu này và chỉ dừng lại ở đây, không có danh hiệu cho gia đình tiêu biểu thì rất khó để tìm được hạt nhân điển hình, tạo phong trào thi đua.

Theo đại biểu, trong dự thảo Luật chủ yếu đề cập đến nội dung "khen thưởng" chứ ít về nội dung "thi đua". Bên cạnh đó, nếu chỉ dừng lại nhiều gia đình văn hóa và thực hiện bình xét theo các tiêu chuẩn của Nghị định 122 thì ý nghĩa của gia đình văn hóa đối với hộ gia đình sẽ kém ý nghĩa dần và cũng bớt đi sự trân trọng với danh hiệu này. Bởi hầu như gia đình nào cũng đạt, do đó nên có danh hiệu gia đình tiêu biểu để khuyến khích phong trào thi đua của cá nhân, hộ gia đình, địa phương, nhất là trên địa bàn khu dân cư.