“Đại biểu phải nghĩ về trách nhiệm với nhân dân”

ANTĐ - Hôm nay 20-10, kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc. Phóng viên Báo An ninh Thủ đô đã có buổi trao đổi với ĐB Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về một số nội dung mà cử tri quan tâm tại kỳ họp lần này.

“Đại biểu phải nghĩ về trách nhiệm với nhân dân” ảnh 1
- PV: Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, vấn đề chống tham nhũng luôn được quan tâm hàng đầu. Vì sao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng chưa cao? 

- ĐB Lê Như Tiến: Trong nhiều kỳ họp Quốc hội gần đây, vấn đề tham nhũng được đặt ra rất nóng. Có thể nói đây là vấn đề không thể thiếu vì tham nhũng đã nổi lên như một quốc nạn. Và như thế, chúng ta phải có quốc sách, đó chính là hành lang pháp lý do Quốc hội quyết định. Về chủ trương lớn thì Trung ương Đảng, Bộ Chính trị cũng đã có. Về luật, chúng ta đã có Luật Phòng chống tham nhũng, về tổ chức bộ máy thì có Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương, Ban Nội chính Trung ương. Các tỉnh, thành phố cũng đều có Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tại địa phương. Chúng ta cũng có các quy định cụ thể như các Nghị định của Chính phủ, Nghị quyết của Quốc hội và các văn bản pháp luật khác. Như vậy, ta không thiếu hành lang pháp lý, hay thiếu bộ máy. Cái mà chúng ta thiếu là chưa làm tốt việc biến chủ trương, pháp luật thành hiện thực, đó là khâu yếu nhất. 

- Có khi nào là do quan niệm “ném chuột ngại vỡ bình” không thưa ông?

- Câu nói “ném chuột phải tránh vỡ bình quý” nghĩa là làm sao đạt được hiệu quả mà không rơi vào cảnh “nhanh nhẩu đoảng”. Chứ chuột chưa diệt được mà đồ quý đã vỡ hết thì hóa ra chúng ta chống tham nhũng ngược. Chưa làm được việc tốt đã gây tai họa là phản tác dụng. Ném chuột phải nhằm trúng chuột, chứ không phải bạ đâu ném đấy bất kể hậu quả. Chống tham nhũng phải sáng suốt nhằm đúng chỗ tham nhũng, không để kéo theo những hệ lụy sai lầm để sau đó lại phải mất công đi khắc phục.

- Thưa ông, vừa rồi, chúng ta có nhắc đến vấn đề đổi mới giáo dục theo nghị quyết Trung ương. Với tư cách là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, điều ông muốn gửi gắm tại kỳ họp lần này là gì?

- Tại kỳ họp này Quốc hội có xem xét và quyết định vấn đề đổi mới sách giáo khoa đối với bậc học phổ thông. Tuy nhiên cũng còn một số việc cần phải điều chỉnh ví dụ như vấn đề tài chính lên đến 34 nghìn tỷ đồng. Lúc này cần phải cân nhắc xem khoản kinh phí đó có phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước hay không? Sau đó Bộ GD-ĐT cũng đã tiếp thu ý kiến và lập dự toán khoảng 800 tỷ đồng. Đây là kinh phí chỉ dùng để xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa. Cá nhân tôi quan tâm nhiều hơn đến chất lượng đội ngũ cán bộ giáo viên, giảng viên mà hiện nay chúng ta vẫn chưa đặt ra. Đây chính là những người quyết định chất lượng học sinh, nên xét về gốc thì rất quan trọng. Nói cách khác, chúng ta muốn đổi mới cái gì thì đổi mới, nhưng đổi mới từ người thầy mới là chủ yếu.

- Tại kỳ họp lần này, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ tiếp tục được thực hiện. Theo ông, việc này có đáp ứng được nguyện vọng của cử tri hay không?

- Hiện chúng ta lấy phiếu tín nhiệm vẫn để ở 3 mức, tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Như vậy, đại biểu Quốc hội và cử tri cũng chưa thấy hài lòng, bởi ai cũng được tín nhiệm cả. Và nếu như vậy thì việc này cũng vẫn là hình thức. Vậy nên mới đặt ra vấn đề là cần phải sửa Nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Việc sửa Nghị quyết 35 sẽ được đưa ra tại kỳ họp này để biểu quyết. Hiện có một số ý kiến chỉ nên để 2 mức, tín nhiệm và không tín nhiệm. Tuy nhiên làm như vậy thì cũng sẽ rất nghiệt ngã bởi sau đó nếu không được tín nhiệm thì nhiều thành viên Chính phủ hay người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn phải từ chức hoặc bị bãi miễn. Lúc đó sẽ đặt ra vấn đề lớn về công tác cán bộ với không chỉ riêng Quốc hội mà còn của Đảng, do đó cần hết sức cẩn trọng. Một số ý kiến khác lại cho rằng nếu để 2 mức thì sẽ là tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp. Nếu ai rơi vào tín nhiệm thấp thì sẽ phải điều chỉnh chính mình để thay đổi. Đây cũng là một quan điểm mà kỳ họp lần này sẽ bàn kỹ hơn.

- Theo ông, tại kỳ họp thứ tám, chủ quyền biển đảo và chiến lược lâu dài của chúng ta tại Biển Đông sẽ nhận được sự quan tâm của Quốc hội như thế nào?

- Vấn đề chủ quyền biển đảo cũng đã được đưa vào chương trình nghị sự và họp riêng để nghe Chính phủ báo cáo. Nếu có bất cứ vấn đề gì thì Quốc hội sẽ phải lên tiếng đầu tiên. Các đại biểu Quốc hội có thái độ rõ ràng và chính tôi cũng đã có ý kiến về việc Quốc hội cần phải ra Nghị quyết về Biển Đông khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên vì nhiều lý do nên lúc đó Quốc hội không ra Nghị quyết mà chỉ ra Tuyên bố. Cá nhân tôi vẫn cho rằng nếu như chúng ta ra được Nghị quyết thì sẽ mạnh mẽ hơn và tỏ thái độ kiên quyết hơn.

- Nếu lần này tham gia chất vấn các thành viên Chính phủ ông sẽ chất vấn ai và về vấn đề gì?

- Tôi sẽ chất vấn xung quanh lĩnh vực phòng chống tham nhũng, lãng phí, các vấn đề nóng khác như y tế, giáo dục, công tác tuyển dụng, đề bạt cán bộ… Tuy nhiên, tôi quan tâm nhiều hơn tới quá trình hậu chất vấn chứ không phải chất vấn xong rồi để đó. Đó là quá trình thúc đẩy và hành động để chính ngành đó đi lên. Đấy mới là quan trọng và người dân kỳ vọng nhiều hơn. Tôi lấy ví dụ sau khi chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT và Thống đốc NHNN thì 2 đồng chí này đã có những hành động chuyển biến tích cực, chất lượng công việc đã có bứt phá rõ ràng. Nhiều giải pháp mạnh được áp dụng mang lại hiệu quả mà chúng ta không thể không thừa nhận.

- Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ họp ở hội trường mới được xây dựng rất bề thế, hiện đại. Ông có cảm thấy việc được sử dụng một công trình lớn làm từ tiền thuế của nhân dân thì trách nhiệm các đại biểu sẽ nặng nề hơn không?

- Được sử dụng Nhà Quốc hội mới, bản thân tôi cũng rất mừng. Tòa nhà bề thế hiện đại, điều kiện, phương tiện làm việc cũng rất tốt. Tuy mừng nhưng tôi cũng thấy rằng, khi sử dụng một công trình được đầu tư lớn từ tiền thuế, từ mồ hôi công sức của người dân thì đại biểu cũng phải nghĩ về trách nhiệm với nhân dân. Cổ nhân có câu “y phục xứng kỳ đức”, vì thế các đại biểu Quốc hội phải sâu sát hơn nữa, làm sao để đưa được tiếng nói của nhân dân đến với diễn đàn Quốc hội, giải quyết mọi khó khăn để đưa đời sống người dân đi lên, xứng đáng với những gì mà nhân dân kỳ vọng.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!