Đại biểu đề nghị dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND phường nếu bỏ HĐND

ANTĐ -Phiên thảo luận về dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 20-1, nội dung được tranh luận nhiều nhất chính là việc giữ hay bỏ HĐND phường khi hiện vẫn còn 2 luồng ý kiến trái chiều.

Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới nhất đưa ra 2 phương án. Phương án 1: Ở địa bàn nông thôn vẫn tổ chức cấp chính quyền (có HĐND và UBND) tại 3 cấp đơn vị hành chính là tỉnh, huyện, xã; còn ở địa bàn đô thị chỉ tổ chức cơ quan hành chính (UBND phường) để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương, không tổ chức HĐND. Phương án 2: Cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính như hiện nay.
Đại biểu đề nghị dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND phường nếu bỏ HĐND ảnh 1Đại biểu Ksor Phước đề nghị bỏ HĐND phường, để dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND phường

Qua thảo luận, đa số đại biểu đồng tình với phương án 2, nghĩa là phải tổ chức UBND, HĐND ở tất cả các cấp. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, các đại biểu Nguyễn Văn Hiện – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp; Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách; Nguyễn Thị Nương – Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội… cho rằng thực tế chính quyền cấp phường hiện nay có rất nhiều vấn đề quản lý, quyền lực cũng rất lớn nên không thể không có giám sát quyền lực. Hơn nữa, trong Hiến pháp ghi rõ ở đâu có quyền lực, ở đó có giám sát, nếu bỏ quyền lực giám sát của dân, nơi có HĐND nơi không thì khó giải thích với dân.

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến đồng tình với phương án 1 và cho rằng đã đến lúc phải có sự thay đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp hơn, hiệu quả hơn. Đại diện Ban soạn thảo dự án Luật này, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội giải trình: “không phải chúng tôi không quan tâm đến quyền lực giám sát của nhân dân song giám sát của nhân dân được thể hiện thông qua nhiều cơ quan. Không có HĐND ở phường không có nghĩa là nhân dân phường đó không được giám sát chính quyền, bản thân UBND cũng là của nhân dân. Phương án nào cũng có mặt ưu điểm, hạn chế riêng”.

Đại biểu Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho rằng, thực tiễn hoạt động của HĐND quận, nhất là cấp phường thời gian qua rất hạn chế. Thực tế HĐND giám sát quyền lực của chính quyền cũng chủ yếu chỉ tập trung ở cấp thành phố, quận xem có tiêu cực không, hoạt động có hiệu quả không vì cơ quan chính quyền quận ra quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, lợi ích của nhân dân. Do đó, tại thành phố chỉ nên tổ chức HĐND đến cấp quận.  

Đại biểu Ksor Phước cho rằng, để đảm bảo tính dân chủ, nếu thực hiện phương án 1 này thì đề nghị Chủ tịch UBND phường phải do nhân dân phường bầu trực tiếp, hoặc tổ chức hội nghị đại biểu nhân dân phường để bầu ra chủ tịch phường đại diện cho nhân dân. “Khi giám sát, HĐND quận sẽ giám sát tất cả hoạt động của chính quyền phường. Để hiệu quả thì tăng đại biểu HĐND quận” – ông Ksor Phước nói.

Đây cũng là quan điểm được các đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đại biểu Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp… ủng hộ.