Đặc vụ KGB và độc chiêu tuyển mộ gián điệp ở Áo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một tài liệu giảng dạy bí mật của KGB vừa được tiết lộ cho thấy, các điệp viên Liên Xô đã lên những kế hoạch khá phức tạp để thâm nhập vào nội bộ Chính phủ Áo trong trò chơi mang tên “gián điệp”.
Là cầu nối giữa Tây và Đông Âu, Áo cũng là trung tâm phản gián mà cả Liên Xô lẫn các nước phương Tây đặc biệt quan tâm

Là cầu nối giữa Tây và Đông Âu, Áo cũng là trung tâm phản gián mà cả Liên Xô lẫn các nước phương Tây đặc biệt quan tâm

Vụ đào thoát đáng ngờ

Công dân Áo Jan Marsalek mất tích vào ngày 18-6-2020, đúng ngày người đàn ông 40 tuổi này bị sa thải khỏi vị trí Giám đốc điều hành Wirecard - một nhà cung cấp dịch vụ tài chính của Đức. Một kiểm toán viên độc lập phát hiện tài khoản của Wirecard có lỗ hổng 1,9 tỷ euro và người chịu trách nhiệm là ông Marsalek.

Các nhà báo điều tra liên kết với Bellingcat (một trang web pháp y kỹ thuật số) và cho rằng, ông Marsalek đã bỏ trốn từ Đức qua Estonia để sang Belarus và sau đó được GRU (cơ quan tình báo quân sự của Nga) đưa đến Nga. Thông tin tờ Financial Times tiết lộ rằng, ông Marsalek dường như có mối liên hệ chặt chẽ với GRU.

Trong số các tài liệu bí mật mà nhà tài chính Marsalek có được trước khi trốn khỏi Áo có một bộ giấy tờ liên quan đến cuộc điều tra của Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) về vụ đầu độc cựu gián điệp Sergei Skripal. Những tài liệu đó bao gồm công thức của Novichok - chất độc thần kinh chết người được 2 sát thủ GRU sử dụng trong âm mưu sát hại ông Skripal (cựu sĩ quan GRU trở thành điệp viên cho cơ quan tình báo MI6 (Anh quốc) ở Salisbury 2 năm trước. Nếu Marsalek có quan hệ đáng ngờ với người Nga thì ông ta chỉ đơn giản là nhân vật mới nhất trong một danh sách dài công dân Áo, những người do tình cờ hay cố ý, trở thành những người làm việc cho Matxcơva.

Tài tuyển dụng của điệp viên KGB xuất chúng

Một trong những vụ án gián điệp nổi tiếng nhất xảy ra trên đất Áo là trường hợp Hans Adolf Baumgarten - cố vấn trong bộ phận đối ngoại của Văn phòng Thủ tướng Áo vào cuối những năm 1950, đầu những năm 1960. Ban đầu, các điệp viên Liên Xô cố gắng tuyển dụng ông ta bằng vật chất, nghĩa là họ sẵn sàng chi tiền để đổi lấy thông tin. Nhưng họ đã thất bại, ông Baumgarten từ chối hợp tác. Phía Liên Xô nhận ra cách tiếp cận sai lầm, và với một “tài sản” tiềm tàng như vậy, họ muốn thử một kế hoạch phức tạp hơn.

Nói về vụ Baumgarten nên nhắc đến cuốn sách “Tư vấn viên: Khảo sát về chủ đề tuyển dụng”, tập hợp từ những câu chuyện thực của chính các đặc nhiệm của KGB (Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô) được xuất bản vào năm 1965. Sách được lưu hành nội bộ tại Khoa Kỷ luật đặc biệt I thuộc Học viện Andropov, lần đầu tiên cung cấp một tài liệu hiếm hoi về tâm trạng, suy nghĩ và hành vi của các điệp viên Liên Xô khi tuyển dụng mục tiêu của phương Tây.

Đến nay nó vẫn được coi là tài liệu giảng dạy bí mật của Nga. Trong cuốn sách, nổi bật là 1 đặc vụ có kinh nghiệm tuyển dụng thông minh mang bí danh “Safo”. Đó là một người đàn ông ngoài 50 tuổi, từng làm việc cho 3 cơ quan gián điệp khác nhau, nhưng chỉ trung thành với duy nhất với KGB. “Safo” đến năm 1960 đã ở tuổi sắp nghỉ hưu.

Sinh ra trong một gia đình người Đức ở Volga, ông đã được tình báo quân đội Liên Xô tuyển dụng với vỏ bọc là một nhà báo ủng hộ cộng sản trong thời gian Chiến tranh Liên Xô - Phần Lan năm 1939. Ông sớm được chuyển đến NKVD (Bộ Dân ủy nội vụ - tiền thân của KGB) vào năm 1940, được đào tạo chính quy và được giao nhiệm vụ xâm nhập vào mạng lưới gián điệp của Đức Quốc xã, lần này đóng giả là một phóng viên ủng hộ phát xít.

Nhờ thể hiện năng lực quá tốt, “Safo” được Abwehr (Cơ quan tình báo quân sự của Hitler) tuyển dụng. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, “Safo” chuyển sang Áo, lần này vẫn là hoạt động báo chí trong tòa soạn một tờ báo thân Mỹ chống Liên Xô có số lượng phát hành lớn ở Salzburg.

Không lâu sau khi Cục Tình báo Liên bang Tây Đức (BND) phát hiện ra vai trò trước đó của “Safo” ở Abwehr, ông gia nhập BND, từ đó có cơ hội lớn để bắt “con cá lớn” trong Văn phòng Thủ tướng Áo. Theo lời kể của “Safo”, ông sắp xếp một cuộc gặp gỡ có vẻ như tình cờ với cố vấn Baumgartner và vợ ông ta tại một khu trượt tuyết ở Tyrol Alps, nhờ một nhà báo người Áo có tên là Krantzl giới thiệu. Krantzl trước đây từng làm việc trong Văn phòng Thủ tướng và có biết chút ít về ông Baumgarten.

Thật may mắn cho “Safo”, ông Baumgarten hào hứng với câu chuyện chủ yếu đề cập đến các vấn đề kinh tế ở Đông Âu. Mối quan hệ quen biết sau đó phát triển thành tình bạn và thành sự hợp tác khi “Safo” tiến tới giai đoạn phát triển mục tiêu tiếp theo của mình. Đó là thỏa hiệp với Baumgarten về việc chia sẻ thông tin đặc quyền.

Để lừa vị cố vấn chính phủ nghĩ rằng ông ta làm gián điệp cho Tây Đức, KGB chỉ có thể yêu cầu ông ta chuyển thông tin về mối quan hệ của Áo với các quốc gia Đông Âu, chứ không phải là điều họ mong muốn nhất là về quan hệ của Áo với phương Tây. “Safo” và lãnh đạo KGB quyết định cách duy nhất để tiết lộ danh tính thực sự của họ là thay đổi từ từ và tinh tế quan điểm của Baumgarten về Liên Xô.

Cuối cùng, KGB đã dọa rằng, chủ nghĩa Quốc xã đang tái phát cũng như bằng chứng về sự phản quốc của ông Baumgarten để buộc ông ta “mở lòng” với Liên Xô. Không còn cách nào, Baumgarten buộc phải hợp tác. Không rõ liệu ông ta bị phản gián Áo bắt hay đơn giản là nghỉ hưu nên không còn làm cho KGB sau năm 1965. Trong khi đó, “Safo” được đưa ra khỏi Áo và quay trở lại Nga thông qua một kế hoạch thâm nhập phức tạp qua Canada. Điệp viên này về hưu và chắc chắn đã được trao tặng danh hiệu nhà nước cho sự nghiệp đỉnh cao của mình.

Môi trường cạnh tranh ở quốc gia trung lập Áo

Áo từ lâu đã là trung tâm phản gián mà cả Liên Xô lẫn các nước phương Tây đặc biệt quan tâm. Sở dĩ như vậy bởi cuối Thế chiến II, Áo đã giành được độc lập từ Đức, nhưng quân đội Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô vẫn hiện diện ở đó cho đến năm 1955 - khoảng thời gian “Safo” gia nhập BND.

Năm đó, các lực lượng chiếm đóng nước ngoài đã đồng ý rút quân để nước này thiết lập lại một quốc gia tự do, dân chủ và có chủ quyền, nhưng Liên Xô đã đưa ra điều kiện: Áo phải giữ thái độ trung lập. Điều này, so với bối cảnh Tây Đức gia nhập NATO vào đầu năm đó, về cơ bản ngụ ý rằng Áo sẽ không tham gia liên minh quân sự NATO. Thực tế, tính “trung lập vĩnh viễn” đã được nội bộ hóa trong xã hội Áo. Chủ nghĩa trung lập đã trở thành một đặc điểm quốc gia cố hữu của người Áo, đa số tin rằng đất nước của họ nên tiếp tục là cầu nối giữa phương Tây và phương Đông.

Bên cạnh những nỗ lực không ngừng của các nhà lãnh đạo của Áo để duy trì và tăng cường quan hệ kinh tế với Nga, Vienna có thái độ tương đối khoan dung với Nga, một phần vì các điệp viện xâm nhập vào các thể chế của họ, như cố vấn Baumgarten hay trường hợp Marsalek gần đây. Áo là một trong số rất ít quốc gia phương Tây từ chối trục xuất bất kỳ nhà ngoại giao Nga nào trong khuôn khổ phản ứng phối hợp của phương Tây đối với vụ đầu độc điệp viên Skripal của GRU vào năm 2018. Có lẽ để trả đũa cho sự thiếu đoàn kết này, tình báo Anh đã vạch mặt một đại tá quân đội về hưu của Áo đã làm gián điệp cho Nga trong khoảng 20 năm.

Phản ứng về điều này, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz đã kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra lời giải thích, trong khi Ngoại trưởng Áo Karin Kneissl đã hủy bỏ chuyến đi đã lên kế hoạch tới Matxcơva. Nhưng Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen, người đã kêu gọi không nên kịch tính hóa vụ việc, nói rằng điều đó sẽ không “làm hoen ố nghiêm trọng mối quan hệ của chúng tôi với chính phủ Nga về lâu dài”.

Ông Putin đã 2 lần đến thăm Áo kể từ sau vụ tấn công bằng chất độc thần kinh ở Anh. Trong đó, chuyến thăm thứ hai mang tính riêng tư khi Tổng thống Nga dự đám cưới của Ngoại trưởng Kneissl và thậm chí còn có cơ hội khiêu vũ với cô dâu. Sau chuyến thăm không chính thức đó, cựu Cục trưởng Cục Tình báo Liên bang Đức August Hanning nói rằng, việc NATO chia sẻ bí mật với Vienna là không an toàn.

Năm 2019, tờ Der Standard của Áo đưa tin, các cơ quan tình báo của Anh và Hà Lan đã “gần như hoàn toàn cắt đứt liên lạc với Vienna” vì các mối liên hệ của Nga với Đảng Tự do cầm quyền, lúc đó đang kiểm soát Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ. Người ta tự hỏi có bao nhiêu điệp viên đang ẩn náu trong các bộ đó, kể cả cho tới hôm nay.