Đặc nhiệm Anh táo bạo đột kích giải cứu con tin ở Sierra Leone

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vào cuối mùa hè năm 2000, một trong những nhóm vũ trang ở Sierra Leone đã bắt cóc 11 binh sĩ Anh. Đây là cuộc khủng hoảng con tin lớn đầu tiên của đất nước này trong vòng 20 năm qua. Và cuộc đột kích giải cứu con tin táo bạo đã giúp lực lượng biệt kích Anh lấy lại sự tự tin của họ.

West Side Boys là nhóm vũ trang đã bắt 11 binh sĩ Anh thuộc Trung đoàn Hoàng gia Ireland làm con tin và đe dọa sẽ hành quyết họ nếu London không đáp ứng yêu cầu. Với tin tức này, Chính phủ Anh phải đối phó với cuộc khủng hoảng con tin quan trọng đầu tiên kể từ cuộc vây hãm Đại sứ quán Iran năm 1980. Khi các nhà đàm phán thương thuyết việc thả con tin, quân đội Anh đã khẩn trương chuẩn bị cho một chiến dịch giải cứu.

Lực lượng đặc nhiệm Anh tham gia chiến dịch giải cứu con tin ở Sierra Leone 20 năm trước

Lực lượng đặc nhiệm Anh tham gia chiến dịch giải cứu con tin ở Sierra Leone 20 năm trước

Nhóm nổi loạn nghiện rượu và ma túy

Anh đã cử 1.000 binh sĩ tới Sierra Leone sau khi khoảng 500 binh sĩ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc bị bắt làm con tin vào tháng 5-2000 trong bối cảnh hiệp định hòa bình cho quốc gia Tây Phi này sụp đổ và cuộc nội chiến bùng phát trở lại. Quân đội Anh được điều đến để sơ tán người nước ngoài và đảm bảo an toàn cho sân bay. Sự hiện diện của họ đã giúp dập tắt xung đột ở đây. Khi hầu hết lính Anh rút lui vào giữa tháng 6, khoảng 300 binh sỹ đã ở lại để huấn luyện cho các tân binh của quân đội Sierra Leone. Khi đó, Anh cũng đã tài trợ vũ khí, thiết bị và cử các cố vấn quân sự cho quốc gia này.

Cuộc nội chiến tàn khốc đã tàn phá Sierra Leone kể từ năm 1991. Phiến quân đã giết hại hàng chục nghìn người nhằm giành quyền kiểm soát các khu vực khai thác kim cương béo bở của đất nước. Trong đó, nhóm West Side Boys với số thành viên chưa bao giờ quá vài trăm người đã tận dụng khoảng trống quyền lực để hoành hành, khủng bố người dân địa phương.

Đến tháng 6-2000, West Side Boys từ chỗ thân chính phủ đã chuyển sang xu hướng đối lập sau khi họ tấn công các nhóm thân chính phủ khác và gây ra hàng loạt tội ác như đột nhập, cướp phá và cưỡng hiếp. Nhóm này khét tiếng bởi hành vi chặt tay của nạn nhân bằng dao rựa. Kẻ đứng đầu West Side Boys là “Chuẩn tướng” tự xưng Foday Khalley và thủ lĩnh thứ hai là “Đại tá Cambodia”.

Đáng nói, cả 2 người này cùng tay chân thường xuyên sử dụng rượu và ma túy. Khalley đưa ra đủ thứ điều kiện, từ một chiếc điện thoại vệ tinh mới đến việc thành lập chính phủ mới. Kết quả là sự bất ổn của nhóm đã đẩy người Anh tới một phản ứng quân sự thay vì đàm phán.

Khi tính mạng con tin gặp nguy hiểm

Nhóm West Side Boys bắt giữ con tin đóng quân tại 2 ngôi làng Magbeni và Gberi Bana, nằm ở 2 bờ kênh Rokel rộng lớn. Trong suốt các cuộc đàm phán, người Anh lập trạm quan sát bí mật gần ngay 2 ngôi làng. Ngoài ra, một nhóm thông tin liên lạc bí mật đã nghe lén các cuộc gọi của Khalley với BBC và xác định chính xác vị trí của hắn ta.

Qua đàm phán, nhóm bắt cóc tạm đồng ý đảm bảo thả 6 người, giữ lại 5 binh sĩ. Những người được thả ra kể rằng, họ đã bị bạo lực tâm lý khủng khiếp với các vụ hành quyết giả. Nhận thấy không thể thương lượng và chần chừ hơn nữa, chỉ huy chiến dịch quyết định đột kích.

“Chúng tôi đã mất liên lạc với West Side Boys trong vài ngày. Vì thế, nguy cơ xấu đối với các con tin là cực cao” - Tướng Gordon Hughes, chỉ huy quân đội Anh tại Sierra Leone nói về lý do mở chiến dịch giải cứu.

Thủ tướng Anh khi đó, ông Tony Blair cũng xác nhận: “Chiến dịch giải cứu đã được cho phép sau khi chúng tôi thấy rằng, các cuộc đàm phán để thả con tin đã không được thực hiện một cách thiện chí và tính mạng của họ đang gặp nguy hiểm”. Nguồn tin tình báo thu thập được dẫn đến việc các chỉ huy chiến dịch loại trừ một cuộc tấn công trên bộ vì nhóm vũ trang kiểm soát kỹ ngôi làng. Họ cũng không tấn công từ phía bên kia bờ sông vì dòng chảy của nó khá nguy hiểm mà quyết định dùng trực thăng.

Trận chiến ác liệt

Nhóm giải cứu Barras được thành lập bao gồm Hải đội D đặc nhiệm (D Squadron), Trung đoàn Nhảy dù và Biệt đội hải thuyền. Họ được triển khai đến Dakar từ nước láng giềng Senegal và sau đó có mặt ở bên ngoài Freetown - Thủ đô của Sierra Leone. Rạng sáng 10-9-2000, họ sử dụng trực thăng gồm 3 chiếc CH-47 Chinook, 2 chiếc Lynx, 1 chiếc Mi-24 hỗ trợ trên không. 150 binh sĩ đặc nhiệm áp sát 2 ngôi làng từ lúc bình minh để gây bất ngờ cho phiến quân. Một mũi khác được giao nhiệm vụ giải cứu các con tin ở Gberi Bana, trong khi mũi còn lại sẽ loại bỏ các thành viên West Side Boys ở bờ sông bên kia.

Biệt kích Anh đánh mạnh vào làng Gberi Bana. Một nửa lực lượng tấn công nhanh chóng tiến vào làng trong khi nửa còn lại đổ bộ xuống một sân bóng. Trong những giây phút đầu tiên, hỏa lực dày đặc của đối phương đã ghìm chân các đội trên sân bóng. Nhưng các toán biệt kích đã đạt được ưu thế về hỏa lực từ súng máy và rocket.

Kết quả, sau 20 phút các con tin đã được đảm bảo an toàn, được đưa đến một tàu hải quân ở gần đó. Nhưng cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn trong 1,5 tiếng đồng hồ. Ở phía bên kia sông, nhóm lính dù gặp khó khăn hơn. Vì thiếu trực thăng hạng nặng, họ buộc phải chia làm 2 tốp. Do nghe thấy tiếng trực thăng và cuộc đọ súng ở bờ bên kia, nhóm ở ngôi làng bỏ hoang Magbeni đã có sự chuẩn bị.

Khi máy bay thả đợt lính dù đầu tiên xuống một đầm lầy sâu đến ngực, họ buộc phải chiến đấu dưới hỏa lực dày đặc. Trong những khoảnh khắc đầu tiên, một số chịu thương vong, bao gồm cả các sĩ quan chỉ huy. Đến đợt 2, tốp lính dù Anh đã lấy lại sự chủ động và áp đảo phiến quân sau cuộc đọ súng ác liệt kéo dài.

Động lực để cải tổ lực lượng đặc nhiệm

Khi khói lửa lắng xuống, nhóm trực thăng đến đón các con tin và lực lượng giải cứu. Trận chiến ở sông Rokel khiến 25 thành viên của West Side Boys bị tiêu diệt cùng 18 người bị bắt, bao gồm cả thủ lĩnh Foday Khalley. Đáng nói, West Side Boys thu nhận cả lính trẻ em và phụ nữ nên trong số đối tượng bị tiêu diệt có 3 phụ nữ.

Chiến dịch đã cố gắng đảm bảo an toàn cho tất cả các con tin và tiêu diệt các thành viên phiến quân, nhưng đáng tiếc là 1 chỉ huy của lực lượng giải cứu đã thiệt mạng và 12 người khác bị thương. Một tuyên bố của Bộ Quốc phòng khẳng định: “Thương vong là điều đáng tiếc, nhưng ở mức thấp đối với một hoạt động khó khăn và phức tạp như vậy”. Còn Thủ tướng Tony Blair nói sau chiến dịch: “Tôi nghĩ chúng ta có thể tự hào về lực lượng tham gia giải cứu, thực sự trên thế giới sẽ không có lực lượng nào tốt hơn”.

Chiến dịch Barras đã mang lại những thay đổi đáng kể cho lực lượng đặc nhiệm của Anh. Trận chiến với nhóm West Side Boys được trang bị vũ khí mạnh cho thấy sự cần thiết của một đơn vị hỗ trợ chuyên biệt trong các cuộc giải cứu con tin quy mô lớn và các chiến dịch đặc biệt trong tương lai. Thời điểm đó, lính dù và Thủy quân lục chiến Hoàng gia chỉ được triệu tập để bổ sung cho lính đặc nhiệm khi cần thiết. Mặc dù có sự liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị, nhưng họ không được huấn luyện cùng nhau và không sử dụng các quy trình giống nhau.

Do đó, quân đội Anh đã thành lập Nhóm hỗ trợ Lực lượng đặc biệt (SFSG) vào năm 2006. SFSG bao gồm lính Nhảy dù, Thủy quân lục chiến và Không quân đã vượt qua một quá trình tuyển chọn gắt gao. Nhiệm vụ chính của nó là trở thành lực lượng phản ứng nhanh trong các hoạt động chống khủng bố. Vì thế, sau chiến dịch Barras, Vương quốc Anh một lần nữa có thể tự tin vào lực lượng biệt kích của họ.

Chiến dịch Barras đã mang lại những thay đổi đáng kể cho lực lượng đặc nhiệm của Anh. Trận chiến với nhóm nổi dậy West Side Boys được trang bị vũ khí mạnh cho thấy sự cần thiết của một đơn vị hỗ trợ chuyên biệt trong các cuộc giải cứu con tin quy mô lớn và các chiến dịch đặc biệt trong tương lai.