Đặc khu kinh tế: Không nên thu hút nhà đầu tư bằng ưu đãi thuế

ANTD.VN - Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần tìm kiếm tài nguyên mang tính chiến lược, không nhất thiết phải ưu đãi về thuế...

Việt Nam sẽ hình thành 3 đặc khu kinh tế 

Ngày 18-5, Viện kinh tế Việt Nam và VTV24 tổ chức hội thảo: "Hội thảo đặc khu- Thể chế, chính sách và kỳ vọng thành công".

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng đặc khu kinh tế với Việt Nam, ông Sebastian Eckardt- Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới (WB) cho rằng, để thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào các đặc khu kinh tế, Việt Nam cần tập trung xây dựng nguồn tài nguyên chiến lược, giá trị cao.

"Không phải đầu tư nào được chấp nhận tại đặc khu kinh tế mà đó phải là đầu tư có năng suất lao động cao, công nghệ cao, có trách nhiệm giải trình, quản trị tốt. Khi thu hút đầu tư vào địa phương, không nhất thiết phải có ưu đãi thuế vì chính sách này rất dễ bị lạm dụng, mà nên thực hiện việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ta phải hướng tới những ưu đãi thông minh hơn"- đại diện WB cho hay.

Cũng theo chuyên gia này, đặc khu kinh tế phải được coi là nhân tố quyết định của chiến lược công nghiệp rộng hơn. 

Đồng quan điểm này, GS. TS Hoàng Thế Liên- nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, nếu đặc khu tập trung đưa ra quá nhiều ưu đãi về thuế, mà quên xây dựng thể chế hiện đại thì chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.

GS. TS Hoàng Thế Liên nói: "Làm ăn có lãi là 1 chuyện, nhưng quan trọng hơn vẫn phải an toàn. Nếu Luật đưa ra nhiều ưu đãi về thuế mà quên xây dựng thể chế hiện đại thì không giải quyết vấn đề gì".

Theo vị này, các nhà đầu tư luôn mong muốn àm ăn có lãi nhưng phải đúng luật. Hệ thống thể chế và pháp luật nước ta phức tạp nhất thế giới bởi có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật.

Để xây dựng đặc khu kinh tế thì cần có đặc thù, nhưng trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, đừng để những thứ đặc thù trở thành rào cản những phát minh mới của nhân loại. Cần phải có sự phân quyền rõ ràng, luật phải đi thẳng vào đời sống, hạn chế những thể chế, thông tư.

Bên cạnh đó, năng lực thực thi rất quan trọng nên chúng ta cần phải tìm được những cán bộ tốt để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV sắp tới, một trong những đạo luật đáng chú ý nhất sẽ được đưa ra thảo luận và có thể thông qua lần này chính là Luật Đơn vị Hành chính Kinh tế đặc biệt, hay còn gọi là Luật Đặc khu bởi lần đầu tiên, đạo luật này được xây dựng, cho sự ra đời chính thức của 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt ở 3 miền: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Các đặc khu được kỳ vọng sẽ là những cực tăng trưởng mới, lan tỏa sự phát triển ra toàn nền kinh tế. Đồng thời, đây cũng sẽ là nơi thí điểm những thể chế vượt trội, những chính sách ưu đãi đặc biệt, chưa từng có tiền lệ để thu hút đầu tư.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, việc phát triển 3 đặc khu thể hiện sự nhất quán và quan tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đối với việc mạnh dạn xây dựng một sân chơi mới, luật chơi mới với những thể chế chính sách vượt trội, cạnh tranh để thu hút đầu tư trong nước và quốc tế ngay tại lãnh thổ Việt Nam.

Các đặc khu được định hướng phát triển với hai mục tiêu chính: Một là, hình thành 3 khu vực tăng trưởng kinh tế cao có tác động lan tỏa tới khu vực và toàn bộ nền kinh tế, thu hút công nghệ cao với những ngành nghề, lĩnh vực cạnh tranh phù hợp xu thế phát triển của thế giới;

Nơi đáng sống và làm việc, nơi thịnh vượng về kinh tế song song với phát triển bền vững về môi trường, đảm bảo công bằng xã hội và nâng cao đời sống của người dân.

Hai là, chủ động tạo ra một "sân chơi mới" với các thể chế, chính sách đặc biệt thuận lợi, vượt trội, cạnh tranh quốc tế cho phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (R&D);

Các ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ mới 4.0; Giáo dục, y tế chất lượng cao; Dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, công nghiệp văn hóa; Phát triển dịch vụ hậu cần cảng biển và sân bay; Thương mại và tài chính quốc tế gắn với cảng biển.