Đã trưởng thành

ANTĐ - Cháu tôi chưa đầy 20 tuổi đã xa nhà. Ở độ tuổi ấy, tôi nghĩ cháu còn trẻ người non dạ, nên cháu đi xa tôi muốn cháu hiểu, cuộc đời không phải toàn trải thảm đỏ mà còn có chông gai và trắc trở, để cháu sống sao cho hòa đồng với mọi người, không vô cảm. Do đó, thỉnh thoảng tôi kể cho cháu nghe vài chuyện không vui, không may mắn của họ hàng, để cháu trải nghiệm. Có một lần, cháu nghe rất chăm chú, rồi lặng yên, cuối cùng cháu nói:

- Bà ạ, cố gắng không nên kể chuyện buồn. 

Lúc ấy tôi ngạc nhiên và thấy không vui. Nhưng sau, tôi lại thấy cháu nói đúng. Cuộc sống đã bao thứ bộn bề, lo toan. Kể chuyện buồn, người nghe lại phải nghĩ, rồi buồn lây. Năm sau, cháu về nghỉ hè, tôi nhớ cháu có nói một câu: “Sống phải để người khác nể, phục. Sự nể phục ấy không phải là quyền, là tiền. Mà là cách đối nhân, xử thế”. Cháu tôi đã trưởng thành. Đối nhân xử thế, không phải ai cũng làm được. Việc đó không dễ dàng. Cổ nhân đã đúc kết: “Ở sao cho vừa lòng người. Ở rộng người cười, ở hẹp người chê”.

Năm 23 tuổi, năm cuối, học xong, cháu về nước, chờ đi làm. Hai bà cháu tôi lại có dịp gần gũi, trò chuyện. Cháu có nói: “Trong cuộc sống, mọi người đều liên quan với nhau nên cần cảm thông, sẻ chia, và giúp đỡ, nhưng càng tránh phiền hà thì càng tốt, bà nhỉ”.

Tôi nghĩ: “Đã liên quan thì phải phiền hà, nhưng muốn được nể phục thì mình phải tránh gây phiền hà người khác và thấy cháu mình nói đúng”.