Đã tìm ra mẫu tượng nghê đúng chuẩn

ANTĐ - Nhằm triển khai một cách hiệu quả hơn việc sử dụng, đưa những biểu tượng, linh vật phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam vào nơi thờ tự, chiều 8-1, đoàn Thanh tra của Bộ VH-TT&DL do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên dẫn đầu đã có chuyến khảo sát mẫu tượng nghê và kiểm tra một số di tích trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm. 

Đã tìm ra mẫu tượng nghê đúng chuẩn ảnh 1Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm  Vi Kiến Thành xem xét mẫu tượng nghê

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành đã trực tiếp đến xưởng tạo mẫu điêu khắc của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Vũ (Liên Mạc, Từ Liêm) để xem một trong những mẫu tượng nghê đầu tiên bằng thạch cao đang được hoàn thành.

Theo ông Nguyễn Văn Vũ, ý tưởng chế tác dựa trên việc mô phỏng mẫu tượng nghê bằng gỗ có niên đại thế kỷ 17 tại đền thờ vua Lê Thánh Tông (Thọ Xuân, Thanh Hóa) mà ông có dịp được xem trong triển lãm “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tháng 11-2014. Qua rất nhiều lần nghiên cứu, chỉnh sửa, trong gần 2 tháng, ông đã cho ra đời mẫu nghê đầu tiên, gần như hoàn chỉnh, được cho là đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ, hồn cốt dân tộc. Từ bức tượng nghê này, ông sẽ tiếp tục phát triển và sản xuất thêm những mẫu linh vật thuần Việt, để quảng bá và giới thiệu thêm về linh vật thuần Việt trong công chúng. 

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế, người đã trao đổi và theo sát quá trình chế tác bức tượng nghê này cho biết, bởi được mô phỏng dựa trên linh vật tại đền thờ vua Lê Thánh Tông nên đây được cho là con nghê Hoàng gia – đáp ứng được tiêu chuẩn cao nhất trong nghệ thuật của một triều đại và là linh vật cung đình. Hình tượng nghê vốn được sáng tạo từ loài khuyển, toát ra vẻ hiền lành, thân thiện, gần gũi, nhưng vẫn truyền tải nội lực, sức mạnh. Trong đó, bức tượng nghê được thể hiện đúng với quan điểm Phật giáo của Việt Nam, đó là có số lượng răng nhiều, hàm trên 22 chiếc, hàm dưới 18 chiếc.

Đã tìm ra mẫu tượng nghê đúng chuẩn ảnh 2Mẫu tượng nghê gốc bằng gỗ có niên đại thế kỷ 17
tại đền thờ vua Lê Thánh Tông (Thọ Xuân, Thanh Hóa),
trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Điểm đáng chú ý là hàm răng của bức tượng nghê không bị làm cho nhọn hoắt hay nghiến vào nhau như thường thấy trong linh vật Trung Quốc nhưng vẫn toát ra vẻ uy nghi, cho thấy người Việt có nhu cầu biểu lộ sức mạnh, nhưng không quá dữ tợn, phô trương mà ở trạng thái tiềm ẩn, hài hòa với môi trường, cảnh quan, con người xung quanh. Ông Trần Hậu Yên Thế cho biết thêm, sự xuất hiện một mẫu tượng nghê tại thời điểm này là kịp thời, thỏa mãn sự mong mỏi của dư luận. 

Khảo sát và xem xét bức tượng nghê, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên đã đánh giá cao những tâm huyết và nỗ lực của nghệ sỹ Nguyễn Văn Vũ trong việc bảo tồn, phục dựng một mẫu nghê quý giá từ thời Lê. Thứ trưởng cho biết, sau khi Bộ VH-TT&DL có công văn về việc “Không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong, mỹ tục người Việt Nam” đã nhận được sự hưởng ứng rất tích cực của các địa phương cũng như sự đồng tình cao trong xã hội.

Việc sản xuất những mẫu tượng nghê có tính thẩm mỹ cao của Việt Nam sẽ giúp đẩy lùi những hiện vật ngoại lai ra khỏi các di tích, đình, chùa, góp phần quảng bá, phát huy, đưa các linh vật gần gũi với đời sống văn hóa Việt vào trong cộng đồng, khai thác tiềm năng giàu có về di sản linh vật thuần Việt mà chúng ta đã kế thừa qua các thời Lý, Trần, Lê... Theo bà Đặng Thị Bích Liên, Bộ sẽ tiếp nhận và chọn lựa các mẫu sáng tác để phục vụ cho công tác tuyên truyền, in thành những tờ rơi, lịch, đưa vào trong các triển lãm để quảng bá, khuyến khích, nhân rộng việc sử dụng hình tượng linh vật thuần Việt trong đời sống. 

Cũng trong chiều cùng ngày, đoàn Thanh tra của Bộ VH-TT&DL đã đến kiểm tra 2 di tích trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm là đình Chèm và đình Đông Ngạc và kết luận không có biểu hiện vi phạm các quy định Luật Di sản ở cả 2 di tích nói trên.     

Tin cùng chuyên mục