Đã nói là làm, làm bằng được

ANTĐ - Ngày 20-7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Bình và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng đã có cuộc đối thoại trực tiếp với hơn 100 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP. Các quan chức ngành ngân hàng và TP yêu cầu DN “nói thẳng, nói hết bức xúc”.

Duy trì lãi suất ở mức hợp lý sẽ giúp DN ổn định sản xuất, kinh doanh

Không cứu DN bằng mọi giá

Chủ tịch HĐQT Công ty CP thép Bắc Việt, ông Trần Anh Vương cho biết, đến thời điểm này, gần 650 DN thuộc Hiệp hội DN trẻ Hà Nội “vẫn chưa nhận được thông báo về giảm lãi suất từ phía ngân hàng”. Ông đề nghị NHNN làm rõ, “các ngân hàng có bắt buộc phải thực hiện yêu cầu giảm lãi suất không?”. Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện nay mới chỉ có trần lãi suất huy động, chưa có quy định về trần lãi suất cho vay và đang tiến dần tới bỏ dần quy định hành chính. Vì vậy, hạ trần lãi suất với khoản vay cũ xuống 15%/năm chỉ là đề nghị của NHNN với các ngân hàng thể hiện tinh thần trách nhiệm cũng như chia sẻ với DN. Ông nói: “Nếu bắt buộc ngân hàng phải hạ lãi suất xuống dưới 15%/năm theo quy định nào của pháp luật thì không có. Tuy nhiên, khi NHNN đề nghị, hầu hết các ngân hàng đều đã cam kết cố gắng hạ lãi suất”. 

Cho biết không gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay nhưng ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP quốc tế Sơn Hà kiến nghị, lãi suất cần tiếp tục giảm xuống hơn nữa, ở mức khoảng 10%/năm mới phù hợp. Chia sẻ tâm tư đó, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, kéo giảm lãi suất xuống 10%/năm là mong mỏi chung của nền kinh tế nhưng cần tiến hành lâu dài. Ông phân tích: “Thời gian là bao nhiêu thì còn phụ thuộc vào diễn biến của nền kinh tế. Nhìn từ phía DN, nếu hạ lãi suất DN sẽ chịu được, tăng trưởng tín dụng cũng cao. Nhưng tăng trưởng tín dụng cao thì rủi ro cao lên, nợ không có hiệu quả cao cũng sẽ phát sinh. Đó là tiềm ẩn lạm phát cao trong thời gian tới”.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng nói rằng, NHNN tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN nhưng không phải bằng mọi giá. Với các DN, dù có qua khỏi giai đoạn này nhưng tương lai dự báo rất khó khăn và không có cơ hội phát triển dài hạn thì hệ thống ngân hàng cũng khó cứu nổi. Về điều hành chính sách tiền tệ trong những tháng còn lại của năm 2012, Thống đốc cho biết tăng trưởng tín dụng phấn đấu toàn hệ thống chỉ 8-10%, là mức phù hợp với tình hình thực tế hiện nay không gây áp lực lạm phát cho năm sau.

Ổn định lãi suất 15% ít nhất 1 năm

Chưa thực sự yên tâm, một số DN thắc mắc, liệu mức lãi suất 15%/năm tồn tại được bao lâu? Có DN lại băn khoăn về sự chậm trễ trong giải quyết thủ tục của một số ngân hàng. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, chủ trương giảm lãi suất hỗ trợ DN là rất rõ. Nếu cứ liên tục ổn định duy trì lạm phát ở 7-8% một năm thì lãi suất 15% là hoàn toàn ổn định được: “Năm nay, với mức lạm phát như vậy, chúng ta có điều kiện thuận lợi duy trì lãi suất cho vay 15%/năm. Tôi đảm bảo lãi suất 15%/năm sẽ được giữ ổn định ít nhất 1 năm và hy vọng còn nhiều năm nữa”. Liên quan đến vướng mắc trong làm thủ tục vay vốn, Thống đốc yêu cầu các ngân hàng được nêu tên phải lập tức xem xét và trả lời DN trong vòng 2 ngày.

Củng cố niềm tin trước các DN, ông Nguyễn Văn Bình khẳng định, chính sách tiền tệ “bao giờ cũng nói trước khi làm, làm đúng như nói”. Thống đốc đề nghị DN cần tin tưởng vào chính sách của NHNN, bởi “chúng tôi đã nói là làm và làm cho bằng được”.

Trả lời câu hỏi của các DN, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, yêu cầu sử dụng vốn đúng mục đích rất quan trọng. Ông cũng cảnh báo các DN nên trân trọng đồng vốn vay từ ngân hàng và tự chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình đi đúng hướng. Thống đốc ví dụ: “DN thủy sản nói vay tiền ngân hàng để trả cho người nuôi cá nhưng thực chất lại ném vào bất động sản. Kết quả là đất nằm đó, không bán được trong khi DN mắc nợ người nông dân. Hệ lụy cuối cùng là DN đổ vỡ vì nợ quá lớn. Chúng tôi vẫn nói với nhau là làm sai như thế thì sao tránh được đổ bể. DN thủy sản, tức là mệnh Thủy, lại đi buôn bất động sản (Thổ) thì làm gì mà chẳng thua thiệt...”.

Tháng 7-2012: Hoàn thành điều chỉnh lãi suất vay về 15%

Liên quan tới việc thực hiện giảm lãi suất các khoản vay trước đây về mức 15%/năm, Giám đốc NHNN Chi nhánh Hà Nội Nguyễn Thị Mai Sương cho biết, khoảng 30-50% các khoản vay đã được điều chỉnh. “Các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV đã hoàn thành 100%. Các ngân hàng thương mại khác đang xúc tiến, làm việc với các DN để sớm hoàn thành việc giảm lãi suất về mức tối đa 15%. Dự kiến, toàn bộ công tác này sẽ xong trong tháng 7-2012”.

Ông Lê Đức Thọ, Phó Tổng Giám đốc VietinBank cho biết, từ ngày 15-7, VietinBank đã chỉ đạo các chi nhánh điều chỉnh lãi suất của toàn bộ dư nợ về 15%/năm và thấp hơn. Ông nói: “Với DN đang rơi vào khó khăn, chúng tôi cũng sẽ cùng khách hàng tính tới các giải pháp tái cấu trúc về tài chính, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, thời hạn cho vay, thậm chí chuyển từ cho vay ngắn hạn sang trung dài hạn phù hợp với thực tế”.