Đã nghèo lại thêm khó

ANTĐ - Việc cắt giảm chi tiêu xã hội đang diễn ra phổ biến trên thế giới đã khiến đời sống của người dân, nhất là người nghèo, vốn đã khốn khổ lại càng thêm khó khăn.
Đã nghèo lại thêm khó ảnh 1
Do không nhận được bất cứ trợ cấp xã hội nào nên người nghèo thất nghiệp
ở Bangladesh chỉ còn cách đi ăn xin


Trong “Báo cáo Bảo trợ Xã hội Thế giới: Xây dựng Phục hồi Kinh tế, Phát triển Toàn diện và Công bằng Xã hội” công bố ngày 3-6, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã bày tỏ lo ngại trước tình trạng ngày càng nhiều người trên thế giới không được tiếp xúc với hệ thống trợ giúp xã hội trong bối cảnh đời sống kinh tế tiếp tục khó khăn. Số liệu thống kê của ILO cho thấy, hiện chỉ có 27% dân số thế giới được hưởng các nguồn phúc lợi xã hội, trong khi phần còn lại không được nhận bất cứ sự trợ giúp xã hội nào, hoặc nếu có cũng chỉ mang tính tượng trưng.

Báo cáo của ILO chỉ ra cả thế giới vẫn đang phải chịu những hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bùng phát từ năm 2008, trong đó có lĩnh vực xã hội. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu trầm trọng nhất 7 thập kỷ qua không chỉ ảnh hưởng vô cùng tiêu cực tới nền kinh tế mà còn đang gây ra những “dư chấn” tai hại không kém về mặt xã hội.

Một trong những “dư chấn” nghiêm trọng nhất là đẩy thêm hàng chục triệu người lâm vào cảnh thất nghiệp hay màn trời chiếu đất. Theo ILO, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã đẩy thêm 30,6 triệu người gia nhập đội quân thất nghiệp, nâng tổng số người thất nghiệp toàn cầu lên tới 199,8 triệu tính tới hết năm 2013 và dự đoán sẽ tăng lên 213 triệu vào năm 2019.

Trong bối cảnh bị mất việc và không có thu nhập, hàng trăm triệu người dân trên thế giới, nhất là tại các nước đang phát triển rất cần có chiếc “phao cứu sinh” là trợ cấp xã hội, an ninh xã hội… Song thay vì gia tăng ngân sách dành cho lĩnh vực xã hội thì tuyệt đại đa số các nước trên thế giới, có tới 122 quốc gia, lại cắt giảm chi tiêu công.

Với lý do tình trạng kinh tế trì trệ, nguồn thu giảm sút, hàng trăm nước đã công bố chi tiết kế hoạch cắt giảm chi tiêu xã hội trong năm 2014 mà theo đó sẽ cắt giảm ngân sách dành cho hệ thống y tế, giáo dục và các chi tiêu phúc lợi xã hội… Điều này dẫn tới hệ lụy là nhiều người lao động bị mất việc làm và một bộ phận lớn tầng lớp dân cư dễ bị tổn thương do bị mất đi các khoản trợ cấp xã hội, không được chăm sóc y tế đầy đủ...

ILO cho rằng việc có tới hơn 70% người dân trên thế giới không được nhận trợ giúp xã hội trái ngược hẳn với lập trường thống nhất của cộng đồng quốc tế, đã được thông qua bằng văn bản từ năm 1948, mà theo đó trợ cấp xã hội và chăm sóc y tế đầy đủ sẽ được dành cho mọi người già và con em của những người bị thất nghiệp, bị tai nạn lao động, và đây được xem như một trong những quyền chính đáng của con người.

Tuy nhiên đã hơn 6 thập kỷ trôi qua song đến nay vẫn có tới hơn 2/3 dân số toàn cầu không được hưởng đầy đủ những sự trợ giúp cần thiết của xã hội, trong khi sự trợ giúp, bảo vệ của xã hội đối với người dân luôn được coi là chìa khóa để giảm bớt tỷ lệ đói nghèo, sự bất bình đẳng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Vì thế, ILO nhấn mạnh, khi nền kinh tế không ổn định, tăng trưởng thấp như hiện nay và sự bất bình đẳng đang lan rộng ở nhiều nơi, thì hơn bao giờ hết các quốc gia cần bảo đảm tối đa mọi sự trợ giúp và trợ cấp người lao động, coi đó là trách nhiệm và hướng đi đúng đắn dẫn tới sự ổn định và phát triển của nhân loại.