“Đá ngầm” rủi ro tài chính

ANTĐ - Tờ nhật báo “Le Monde” (Thế giới) của Pháp trong số gộp ra ngày 1 và 2-1-2014 có chạy hàng tít lớn ngay trên trang nhất “Năm 2014 báo hiệu nhiều rủi ro tài chính”. Nhìn nhận được xem là khá bi quan này của tờ nhật báo hàng đầu nước Pháp được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia cũng như giới chuyên gia cùng chia sẻ đánh giá lạc quan hơn về nền kinh tế toàn cầu trong năm nay.

Nhật báo Thế giới lo ngại việc FED cắt giảm đột ngột QE-3 sẽ có thể đẩy các thị trường chứng khoán vào cảnh hỗn loạn

Triển vọng sáng sủa của nền kinh tế thế giới năm 2014 xuất phát từ những tín hiệu lạc quan của không chỉ các trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới mà của cả các nền kinh tế mới nổi vốn đóng vai trò động lực tăng trưởng trong những năm khủng hoảng vừa qua. Từ sự khởi sắc chung của nền kinh tế thế giới từ quý III năm 2013, LHQ trong Báo cáo tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2014 công bố cuối tháng 12-2003 đã nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ cải thiện trong năm nay với mức tăng khoảng 3%, cao hơn so với mức 2,1% của năm 2013.
Đánh giá tổng thể, báo cáo của LHQ cho rằng việc Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) chấm dứt thời kỳ suy thoái kéo dài, kinh tế Mỹ cũng như một số nền kinh tế lớn đang nổi, trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc, đang hồi phục là những yếu tố kích thích kinh tế thế giới tăng trưởng. Bên cạnh đó, lạm phát trên toàn thế giới vẫn ở mức vừa phải trong khi giao dịch thương mại quốc tế hồi phục nhẹ, lên mức 4,7% trong năm 2014, và giá cả hầu hết các nguyên liệu vẫn ổn định...
Tuy nhiên, tỏ ra thận trọng với triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới, tờ “Thế giới” đã dẫn ra hàng loạt yếu tố từ lĩnh vực tài chính có thể tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn cầu trong năm 2014. Trong đó đáng chú là những rủi ro xuất phát từ gói cứu trợ thứ ba (QE-3) của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), nợ xấu bất động sản quá lớn ở Trung Quốc hay nguy cơ tiềm ẩn từ nợ công trong khu vực Eurozone…
Cho dù bà Janet Yellen, người sẽ chính thức làm Chủ tịch FED từ cuối tháng 1 này, cam kết tiếp tục duy trì các biện pháp mạnh mẽ nhằm hỗ trợ đà phục hồi vẫn chưa chắc chắn của kinh tế Mỹ song giới phân tích cho rằng FED có thể cắt giảm bớt QE-3 mà theo đó hiện đang tung ra thị trường mỗi tháng 85 tỷ USD nhằm kích thích kinh tế. Việc cắt giảm đột ngột QE-3 có thể đẩy các thị trường chứng khoán rơi vào tình trạng nhà đầu tư bán tháo tài sản thế chấp, ảnh hưởng đến các nguồn đầu tư ở các nền kinh tế mới nổi.
Một yếu tố rủi ro mà tờ “Thế giới” muốn nhấn mạnh là nguy cơ nợ xấu của “đầu tàu tăng trưởng” Trung Quốc, trong đó chủ yếu là nợ xấu bất động sản. Tờ báo này nhận định Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc từ bỏ mô hình tăng trưởng dựa trên nguồn đầu tư vốn là những khoản nợ công không kiểm soát được của các địa phương vốn đã tăng 67% trong 3 năm qua, đưa nợ công lên tương đương 56,2% GDP của cường quốc kinh tế số hai thế giới này. 
Những rủi ro từ lĩnh vực tài chính, vốn là “ngòi nổ” của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế bùng phát năm 2008 từ nước Mỹ, tiềm ẩn những nguy cơ như các hòn “đá ngầm” đối với con tàu kinh tế thế giới trong năm 2014 này.