Đã hết thời “oanh liệt”

ANTĐ - Từng là một trong những “nữ tướng” điều hành doanh nghiệp làm ăn phát đạt, lúc còn giữ chức giám đốc một doanh nghiệp (thuộc Bộ NN&PTNT) - Lã Thị Kim Oanh được mệnh danh là người đàn bà “thét ra lửa”. Thế nhưng, khi sa cơ lỡ vận, ít ai biết đến chuyện dâu bể đời người của“bà hoàng” không ngai này…

Chân dung “bà hoàng”

Đã hết thời “oanh liệt”  ảnh 1
Phạm nhân Lã Thị Kim Oanh / Những hàng hoa nở rộ trong khuôn viên
của trại giam mà phạm nhân Lã Thị Kim Oanh được phân công chăm sóc

Có lẽ, kể từ khi Lã Thị Kim Oanh (nguyên Giám đốc Công ty Tiếp thị - Đầu tư nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thuộc Bộ NN&PTNT) bị bắt và cho đến tận bây giờ khi mà chị ta đang thụ án tại Trại giam số 5 - Bộ Công an (đóng trên địa bàn xã Yên Giang, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) vẫn luôn là tâm điểm của dư luận. 

Xuất thân từ một giáo viên của trường cấp 3 An Dương (TP Hải Phòng), sau đó Oanh trở thành giám đốc một doanh nghiệp làm ăn khá “phát đạt”. Trong khoảng thời gian 5 năm điều hành Công ty Tiếp thị - Đầu tư nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Oanh được giao toàn những dự án lớn có nguồn vốn đầu tư tiền tỷ. Tuy nhiên, để nhận được các dự án thì những khoản tiền Oanh bỏ ra “lót tay”, “chạy” dự án cũng không phải nhỏ (7,5 tỷ đồng). Với cách chi tiêu “ném tiền qua cửa sổ” thì cho dù tiền có chất thành núi chẳng mấy cũng hết. Oanh bị cáo buộc phạm hai tội tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định quản lý kinh tế của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Quãng thời gian nhung lụa của “bà hoàng” không ngai Lã Thị Kim Oanh đã tan biến trong phút chốc.

Theo tài liệu của hồ sơ vụ án, trong các năm 1995-2001, Lã Thị Kim Oanh đã lợi dụng trách nhiệm và quyền hạn của một số cán bộ của Bộ NN&PTNT tham ô hơn 72 tỷ đồng và 110.000USD; cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại hơn 34 tỷ đồng cùng 3.000USD. Trong thời gian điều hành doanh nghiệp, Oanh tạo dựng cho công ty nhiều chức năng kinh doanh để được giao thực hiện các dự án lớn. Sau đó, Oanh tìm cách vay tiền ngân hàng và các tổ chức cá nhân có xác nhận của lãnh đạo Bộ NN&PTNT. Tuy nhiên, khi được Nhà nước rót tiền xuống cho dự án, Oanh không thanh toán các khoản vay mà sử dụng vào các mục đích cá nhân. Tính đến thời điểm vụ án bị khởi tố (tháng 6-2001), công ty do Oanh làm giám đốc còn nợ ngân hàng và các tổ chức, cá nhân với số tiền lên tới hơn 153 tỷ đồng. Với cáo buộc phạm vào hai tội trên, qua hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm Oanh vẫn bị tuyên phạt mức hình phạt chung là tử hình. Sau đó, Oanh làm đơn xin ân xá lên Chủ tịch nước và được ân giảm xuống án chung thân. 

Sảy chân mới hiểu chuyện đời

Thượng tá Nguyễn Thị Can - Phó Giám thị Trại giam số 5 nhớ lại: Trại có tới hơn 1.000 phạm nhân nữ, chủ yếu là án dài nhưng đối với các cán bộ của trại thì Lã Thị Kim Oanh là một phạm nhân khá đặc biệt. Cuộc đời Oanh cũng có những nỗi khổ riêng. Được biết, ngày chị ta còn đương chức, đương quyền thì “tiền hô hậu ủng”. Thế mà khi Oanh vào trại thì chẳng thấy ai đoái hoài ngoài chồng, con và cô em gái thỉnh thoảng đến thăm. Rồi đến một ngày, chồng của chị ta cũng rời xa nốt.

Có những lúc Oanh tâm sự, ban đầu chị ta cũng sốc và tinh thần suy sụp lắm. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, chẳng có gì phải níu kéo mà đó cũng là mong muốn của Oanh để cho vơi đi phần nào tội lỗi của mình, làm nhẹ đi một phần gánh nặng cho người chồng. Và điều mà Oanh đến bây giờ vẫn tâm niệm nhất là, may mà hai đứa con của chị đã được nuôi dạy thành người…

Qua cửa sổ tầng hai, Thượng tá Can chỉ tay xuống những hàng hoa trong khuôn viên phân trại số 4 cho biết, ngày Oanh mới về đây, chị ta được phân công làm trực sinh, sau đó Ban giám thị trại cho chăm sóc vườn hoa. Hiện Oanh mắc đủ các chứng bệnh, nào là cao huyết áp, suy tim, gan nhiễm mỡ... Thế nhưng, mỗi khi nhìn ngắm những bông hoa trước sân nở rộ, ngát hương, Oanh trở nên phấn chấn hơn. Nhiều khi gặp cán bộ quản giáo, Oanh bảo, chị ta ngày càng vỡ lẽ ra về chuyện dâu bể đời người. Ngày xưa được tự do, tung tẩy làm ăn không hề tính toán đến nơi đến chốn để ra nông nỗi như ngày hôm nay. Mặc dù mang tiếng ở ngoài tiêu tiền không tiếc tay nhưng đến bây giờ, Oanh cũng chẳng có gì để cho con. Ngay lần đầu tiên vào trại này, chồng chị đi thăm cũng chỉ gửi lưu ký vẻn vẹn có 500 nghìn đồng chứ đâu có được “hoành tráng” như nhiều phạm nhân khác. 

Từng trò chuyện với không biết bao nhiêu lần với các nhà báo, nhà văn khác và cũng như tôi, mỗi khi kết thúc cuộc gặp gỡ bất đắc dĩ ở nơi đây, Oanh đều khóc và thở dài than vãn, khi cuộc đời ở đáy vực sâu, chị ta mới nhận ra rằng, chỉ có gia đình là chỗ dựa vững chắc nhất cho mình. Hạnh phúc gia đình là điều quan trọng hơn cả để cho Oanh có nghị lực sống, phấn đấu cải tạo tốt hơn. Không còn nản chí như ngày đầu, bây giờ Oanh luôn phấn đấu cải tạo tốt để sớm được hoàn lương. Đây cũng là suy nghĩ chung của những phạm nhân đã mắc phải sai lầm như Oanh khi được các cán bộ quản giáo thức tỉnh, đêm nằm chị em tâm sự, động viên nhau. 

“Thực ra, khi người ta sa cơ lỡ bước mới phải vào đây, về luật pháp họ vi phạm thì bị pháp luật xử lý nhưng về tình người thì quyền sống của người ta còn. Cho nên, phạm nhân án chung thân vào đây thụ án mà theo luật mới phải đủ từ 12 năm trở lên, phải cải tạo tốt, không vi phạm nội quy của trại, của ngành mới được xem xét giảm án. Thế thì con đường hoàn lương của họ quả thật là một điều khó, làm cho người ta đắn đo không biết khi trở về xã hội sẽ làm được cái gì. Nắm bắt những tâm tư này, chúng tôi phải luôn tìm hiểu động viên, khi họ hiểu ra, họ có niềm tin và hy vọng nên luôn cố gắng cải tạo tốt”. - Thượng tá Can chia sẻ.